Liên minh châu Âu sửa đổi quy định về các biện pháp kiểm soát thực phẩm nhập khẩu
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Bảy, Tháng Bảy 23, 2022 | 10:23 - Lượt xem: 635
Theo tin cảnh báo của Văn phòng TBT Việt Nam (Tổng cục TCĐLCL), Liên minh Châu Âu (EU) vừa chính thức thông báo ban hành Quy định (EU) 2022/913 ngày 30/5/2022 sửa đổi Quy định về các biện pháp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU có hiệu lực từ 3/7/2022. Theo quy định này, có một số sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Theo đó, đối với sản phẩm ăn liền, EU chính thức đưa: bún, miến, phở ra khỏi danh mục quy định yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo Phụ lục 2, Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung quy định (EU) 2019/1793 (thực phẩm ăn liền không có gói gia vị). EU tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và tần suất kiểm tra 20% đối với mỳ ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam (trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác).
Đối với thanh long: EU tiếp tục duy trì trong danh mục yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo Phụ lục 2, Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019/1793, giữ tần suất kiểm tra 20%.
Đối với một số nông sản khác: EU giữ tần suất kiểm tra 50% đối với: mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà, đậu bắp và ớt thuộc giống Capsicum.
Trong đợt rà soát này, EU điều chỉnh tần xuất kiểm tra sản phẩm nông sản và thực phẩm của 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Theo quy định, 6 tháng 1 lần, Nghị viện Châu Âu (EP) và Hội đồng Châu Âu (EC) sẽ họp để xem xét, đánh giá mức độ vi phạm về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của các quốc gia xuất khẩu vào EU.
Để hạn chế vi phạm, doanh nghiệp cần lưu ý: Đối với mỳ ăn liền, cần kiểm tra kỹ EO đối với gói gia vị, đặc biệt là rau sấy; Đối với thanh long cần phải kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa cho phép thuốc bảo vệ thực vật (MRL) theo yêu cầu của EU, chú ý nhóm chất Dithiocarbamates.
Kim Thoa