Lấy ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá
Thứ Sáu, Tháng Sáu 23, 2023 | 11:18
Chiều ngày 22/6, tại TP.HCM, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Trong những năm gần đây, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá nước ta không ngừng hoàn thiện cho phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Để nâng cao hiệu lực điều chỉnh của pháp luật với các quan hệ xã hội về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tương xứng với vai trò quan trọng của nó trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về nội dung nhằm hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (CLSPHH).
Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, CLSPHH đóng vai trò rất quan trọng trong dự án luật, mang tính chất phức tạp, đối tượng tác động rất rộng. Bởi luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật CLSPHH, ông Nghiêm Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành 57 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng, 201 Thông tư, 07 Thông tư liên tịch đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những bất cập, hạn chế riêng.
Trong khi đó, công tác phổ biến, tuyên truyền luật và các văn bản hướng dẫn đã và đang dần lan toả đến gần hơn với doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Chẳng hạn, 100% văn bản quy phạm pháp luật ban hành được tuyên truyền, phổ biến (viết bài, phỏng vấn, phóng sự) trên các phương tiện thông tin đại chúng; 1200 hội nghị, hội thảo với trên 83.000 lượt đại biểu; 561 bài báo; 10.094 tin, bài; 300 chương trình phóng sự, tọa đàm, gameshow; 46 chương trình giao lưu trực tuyến…
Ông Nghiêm Thanh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông tin tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, đánh giá tác động của chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật CLSPHH bao gồm 7 chính sách.
Cụ thể, thứ nhất sửa đổi xác định SPHH nhóm 2 và hoạt động kiểm tra chất lượng SPHH. Thứ hai, quy định về quản lý chất lượng SPHH dựa trên ứng dụng mã số mã vạch. Thứ ba, sửa đổi, bổ sung nội dung về hoạt động đánh giá sự phù hợp. Thứ tư, sửa đổi, bổ sung nội dung về kiểm soát viên chất lượng. Thứ năm, thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP. Thứ sáu, quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) và cuối cùng là sửa đổi, bổ sung các nội dung khác.
Chia sẻ về những vấn đề bất cập hiện nay, bà Hương cho biết, Luật CLSPHH hiện đang quy định thẩm quyền ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc về các bộ. Tuy nhiên, qua gần 15 năm triển khai, việc ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 (sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường như Hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác; sản phẩm dệt may các loại…) có nhiều bất cập.
Tình trạng danh mục hàng hóa nhóm 2 của các bộ có sự giao thoa, chồng chéo, chưa thống nhất khiến cho cùng một mặt hàng của DN phải chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều bộ. Điều này xuất phát từ lỗ hổng pháp luật là không có cơ chế và thiết chế, nhằm kiểm soát quyền của các bộ. Chính phủ đã nhiều lần thúc giục các bộ ngồi lại với nhau để xác định mỗi mặt hàng chỉ cần có một cơ quan kiểm tra. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn thiếu cơ sở pháp lý, do đó tình trạng chồng chéo vẫn diễn ra.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy, Tổng cục TCĐLCL phát biểu tại hội thảo.
Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc, bất cập khác nhau như: chưa quy định cách thức xử lý, xác định kết quả thử nghiệm trọng tài/kiểm chứng, quy định về đăng ký chưa phù hợp cho việc chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, chưa quy định về quản lý cơ sở đào tạo ĐGSPH (trừ hoạt động chứng nhận), việc triển khai ngạch công chức này rất là hạn chế,…
Đồng thời, đội ngũ công chức kiểm soát viên chất lượng còn mỏng, hàng năm số lượng không được tăng thêm. Quy định ít nhất 50% số thành viên tham gia Đoàn kiểm tra là kiểm soát viên chất lượng nên gây khó khăn. Từ đó, dẫn đến hiện nay nhiều tỉnh, thành phố không còn tồn tại Chi cục TCĐLCL.
Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trả lời những thắc mắc và ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá của các đại biểu tham dự
Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng SPHH dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 4/2025 và thông qua vào tháng 10/2025.
Tại hội thảo, lãnh đạo và đại biểu đại diện doanh nghiệp đã có phần thảo luận sôi nổi. Đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao Hội thảo lấy ý kiến với những nội dung rõ ràng và có nhiều điểm mới phù hợp tình hình thực tế. Các đại biểu cũng đưa ra những nội dung giá trị, ý kiến quý báu, đánh giá thẳng thắn và góp ý bổ sung, thắc mắc nhằm góp phần hoàn thiện Luật CLSPHH.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến, đánh giá quý báu đến từ các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Theo VietQ