Lai Châu đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Bảy 19, 2022 | 10:45 - Lượt xem: 502

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, toàn tỉnh có 20 hồ sơ sản phẩm của 11 chủ thể đăng kí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP trong đợt 1 năm 2022.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, trong đợt 1 năm 2022 tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP toàn tỉnh có 20 hồ sơ sản phẩm của 11 chủ thể (3 hợp tác xã, 2 doanh nghiệp và 6 hộ kinh doanh) là sản phẩm đăng ký đánh giá phân hạng lần đầu, không có sản phẩm đăng ký nâng hạng. Trong đó, có 18 sản phẩm từ nhóm ngành thực phẩm của 9 chủ thể; 2 sản phẩm từ nhóm ngành đồ uống của 2 chủ thể. Cả 20 hồ sơ đều đáp ứng yêu cầu, trong đó mỗi sản phẩm có ít nhất 5 mẫu sản phẩm theo hồ sơ đăng ký kèm theo.

Về kết quả đánh giá, phân hạng và đề xuất của UBND các huyện, thành phố: Đề xuất 13 sản phẩm có số điểm chấm đạt từ 50 đến dưới 70 điểm (cả 13 sản phẩm tiềm năng 3 sao); đề xuất 7 sản phẩm chấm điểm đạt từ 70 điểm đến dưới 90 điểm (6 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 3 sao).

Theo đánh giá, đây đều là sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương. Các chủ thể đã chủ động quan tâm đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định. Đồng thời các sản phẩm bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương. 

Tuy nhiên một số địa phương và chủ thể vẫn còn lúng túng trong việc hướng dẫn xây dựng và hoàn thiện hồ sơ; một số sản phẩm bao bì, nhãn mác chưa bắt mắt, chưa tạo thu hút đối với người tiêu dùng; chưa đa dạng về nhóm ngành sản phẩm, ít sản phẩm mới.

Qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022 đợt 1 bằng cách chấm điểm cho 18 sản phẩm (1 chủ thể đề nghị rút 2 sản phẩm để tham gia dự thi đợt sau). Kết quả có 1 sản phẩm đạt 4 sao với 70,64 điểm (sản phẩm Trà Hồng trà Sin Suối Hồ của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường); 17 sản phẩm còn lại đều đạt sản phẩm 3 sao và đạt điểm từ 50 đến dưới 70 điểm.

Để tổ chức, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chương trình OCOP của tỉnh Lai Châu trong thời gian tới đồng chí Vương Đức Lợi – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chương trình OCOP.

Cùng với đó là quan tâm tới việc tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, lợi ích của các chủ thể khi tham gia thực hiện chương trình; tổ chức quảng bá các sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2020, 2021, đợt 1 năm 2022 và các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đặc biệt cần tăng cường hướng dẫn đến các chủ thể và Nhân dân hiểu rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định của Chương trình OCOP; tổ chức quản lý các sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh công nhận. 

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Mục tiêu chính là để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Theo VietQ.vn