Kỷ niệm Ngày Đo lường Thế giới: Đo lường trong kỷ nguyên số

Thứ Sáu, Tháng Năm 20, 2022 | 14:15

Ngày 20/5, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Hội Đo lường Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đo lường trong kỷ nguyên số”.

Tham dự có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Trần Quý Giầu – Vụ Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đo lường, bà Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam, ông Vũ Khánh Xuân – Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam, cùng đại diện các Sở, ban, ngành, chi cục địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, đo lường thống nhất, chính xác và tin cậy trong phạm vi quốc gia và quốc tế cần thiết phải có hệ thống đo lường toàn cầu. Các yếu tố cơ bản để đạt điều là đồng bộ về quy định về pháp luật và tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực đo lường pháp định, đo lường khoa học và đo lường công nghiệp; sự công nhận và thừa nhận lẫn nhau đối với hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; sự hài hòa đối với yêu cầu về năng lực các phòng thí nghiệm, hiệu chuẩn và các tổ chức công nhận, chứng nhận. Việc thiết lập nên hệ thống đo lường toàn cầu phải có sự thỏa thuận của các nước trên thế giới.

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Do vậy, một thỏa thuận cấp quốc tế đầu tiên về đo lường đã ra đời đó là Công ước Mét với 17 nước tham gia ký kết vào ngày 20/5/1875 tại Pari- Cộng hòa Pháp. Đây cũng là bước đầu tiên tiến tới hệ đơn vị đo lường đồng bộ trên toàn thế giới và nay là hệ đơn vị đo lường quốc tế SI. Công ước đặt ra khuôn khổ cho sự hợp tác toàn cầu trong khoa học đo lường và trong các ứng dụng công nghiệp, thương mại và xã hội. Với ý nghĩa đó và ghi nhớ lại mốc lịch sử quan trọng đầu tiên này, toàn thế giới đã lấy ngày 20/5 hằng năm là Ngày Đo lường Thế giới.

“Hội thảo thực sự là thông điệp, diễn đàn để trao đổi ý kiến giữa đại diện các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân hoạt động trong và ngoài lĩnh vực đo lường các tranh luận, ý kiến tại Hội thảo chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động đo lường trong toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, nhu cầu quản lý, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Tại hội thảo, tham luận về chuyển đổi số trong đo lường pháp định, ông Trần Quý Giầu – Vụ Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đo lường cho rằng, chuyển đổi số tự nó không phải là một kết thúc, nó là một người điều hành để làm cho dịch vụ đo lường tốt hơn nữa. Chuyển đổi số là một hành trình, không phải là một điểm đến. 

Đo lường pháp định có thể tận dụng những công nghệ số để vượt qua rào cản, phối hợp tốt hơn các quy trình pháp luật, giảm chi phí phát triển và thời gian đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường.

Ông Trần Quý Giầu – Vụ Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đo lường

Cũng theo ông Giầu, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số trong đo lường là phát triển và phổ biến các yêu cầu cơ bản của hoạt động đo lường liên quan đến vấn đề số hóa, chuyển đổi số trong đo lường khoa học, công nghiệp và đo lường pháp định bao gồm: Thứ nhất, số hóa trình bày và sử dụng thông tin đo lường. Trong đó, số hóa trình bày các định lượng vật lý và đơn vị đo lường; số hóa trình bày các sai số đo lường, độ không đảm đo và mô hình; số hóa trình bày các loại thang đo và dữ liệu liên quan; tính toán các đại lượng vật lý; truy xuất và cách thể hiện thông tin.

Thứ hai, chuyển đổi số trong hạ tầng chất lượng: Chuyển đổi số trong đo lường pháp định và hạ tầng chất lượng; chứng chỉ hiệu chuẩn, thử nghiệm và giám định số; Hạ tầng và công nghệ số để so sánh liên phòng và thử nghiệm thành thạo; Các nguyên tắc và công nghệ giám sát, hiệu chuẩn từ xa; Đo lường để đánh giá chất lượng và xác nhận các thuật toán, phần mềm.

Thứ ba, chuyển đổi số trong liên kết chuẩn: Hiển thị liên kết chuẩn đo lường, liên kết chuẩn đo lường cho mô hình số; liên kết chuẩn đo lường trong Internet vạn vật.

Thứ tư, đo lường số hóa và công nghệ số trong công nghiệp và khoa học: Áp dụng nguyên tắc FAIR vào dữ liệu đo lường, mạng cản biến số, đo lường hệ thống.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội cũng đã tham luận về chuyển đổi số trong đo lường điện tại đơn vị, trong thời gian vừa qua, EVNHANOI đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào công tác sản xuất kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực đo lường điện nói riêng và đã đạt được nhiều kết quả mang lại lợi ích cho khách hàng sử dụng điện cũng như trong công tác quản lý. EVNHANOI đã có những bước chuyển mình và những đột phá trong các năm gần đây, đã thay đổi thành hình ảnh một ngành điện Thủ đô hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Với tư duy chuyển đổi từ cung cấp điện thuần túy sang cung cấp dịch vụ điện hướng với mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm, EVNHANOI đã cung cấp dịch vụ điện triển khai theo phương châm “3 dễ”: Dễ tiếp cận – dễ tham gia – dễ giám sát, đồng thời nâng cao năng suất lao động, tăng độ chính xác và minh bạch thông tin tới khách hàng.

Đối với lĩnh vực đo lường điện, đó là cái cốt lõi trong việc cân đong đo đếm sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng, đo đếm sản lượng điện năng truyền dẫn, phân phối trong việc truyền tải điện do đó nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu trong công tác kinh doanh như Sản lượng điện năng đầu nguồn, Sản lượng điện năng thương phẩm, Tổn thất điện năng, Giá bán điện theo thời gian sử dụng… và ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản trị doanh nghiệp.

Với tầm quan trọng như vậy, EVNHANOI đã triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác đo lường điện, cụ thể như sau: EVNHANOI đã lập kế hoạch tổng thể chuyển đổi số trong mọi hoạt động SXKD trong đó có kế hoạch cụ thể đối với các nhiệm vụ về Đo lường điện, tự động thu thập dữ liệu đo đếm điện năng từ xa; Triển khai kế hoạch đúng theo tiến độ đặt ra. Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh covid-19 vừa qua, nhờ có việc chuyển đổi số trong đo đếm mà EVNHANOI vẫn hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng lớn, việc cung cấp điện an toàn, liên tục, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng vẫn đảm bảo chất lượng.

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục ứng dụng và khai thác các phần mềm hiện hữu, nâng cao năng lực kiểm định phương tiện đo về cả trang thiết bị, trình độ Kiểm định viên, công tác quản lý đo lường thì EVNHANOI tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ mới từ đó sẽ đem lại các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích mới để cung cấp cho khách hàng, nâng cao chất lượng, đem tới khách hàng sử dụng điện dịch vụ điện tốt hơn và chăm sóc khách hàng vượt trội.

“Để có được kết quả như hiện nay, EVNHANOI đã nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong công tác quản lý Đo lường, hoạt động kiểm định phương tiện đo, công tác phê duyệt mẫu phương tiện đo cho các công trình xây dựng các Trạm Biến áp của ngành điện cũng như của khách hàng, trong công tác định hướng phát triển Đo lường của EVNHANOI…”, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo các đơn vị tham dự cũng đã có những bài tham luận liên quan đến chuẩn thời gian tần số với chuyển đổi số; ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác TCĐLCL phục vụ nghiên cứu sản xuất quốc phòng và đảm bảo kỹ thuật…

Thông điệp Ngày Đo lường Thế giới 2022 với chủ đề: Đo lường trong kỷ nguyên số đã được Giám đốc Văn phòng Đo lường pháp định quốc tế (BIML) – Ông Anthony Donnellan phát biểu nhân dịp kỉ niệm Ngày Đo lường Thế giới 2022.

Trong bài phát biểu, Ông Anthony nhận định Công nghệ số đang là một trong những xu thế của Xã hội hiện nay với việc mở ra nhiều cơ hội mới cho sự minh bạch thông tin và dữ liệu, công nghệ số đã làm cho dữ liệu không còn chỉ đọc được (readable) bởi con người mà còn có thể đọc được bởi máy móc. Bên cạnh đó, các cơ hội được mang lại nhờ Chuyển đổi số sẽ nhanh chóng hơn nếu cơ sở hạ tầng số (Digital Infrastructure) được đưa vào sử dụng nhằm thúc đẩy và sử dụng các công nghệ kỹ thuật mới.

Đo lường: Phương pháp đo khoa học và các ứng dụng là nhân tố trung tâm giữa cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia và cơ sở hạ tầng chất lượng quốc tế. Hiện nay, Ủy ban Quốc tế về cân đo (CIPM) đang phát triển khung SI số (SI là Hệ đơn vị đo quốc tế). Trong quá trình đó, khung SI số sẽ cho phép việc triển khai các dịch vụ mới cung cấp bởi các NMI, BIPM và các tổ chức liên quan thông qua tận dụng tối đa dữ liệu mở, thiết bị phần mềm và dịch vụ mà xây dựng lên cốt lõi SI (SI core). 

Khung SI số được kì vọng sẽ cho ra các kết quả khả quan: Các ứng dụng số mới sẽ được phát triển và triển khai trong cộng đồng Đo lường rộng khắp và trong các quy tắc nghiên cứu mà dựa vào Hệ SI; Ứng dụng của các khung phương pháp kỹ thuật số đối với công nghiệp và người tiêu dùng là không thể thiếu với chuyển đổi số một cách đáng tin cậy. Bên cạnh đó, sự hợp thành của các nguyên tắc và thực hành số trong các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là lĩnh vực mà OIML đang nghiên cứu. Chuyển đổi số trong Đo lường mang lại rất nhiều lợi ích, ví dụ như đẩy nhanh thời gian đưa các sản phẩm và dịch vụ đo lường ra thị trường, giảm sự chậm trễ trong cấp phép, từ đó đóng góp vào đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Trong thông điệp Ngày đo lường Thế giới 2022, OIML và BIPM và các tổ chức quốc tế khác đã ký một thông cáo chung về chuyển đổi số trong hạ tầng chất lượng và khoa học quốc tế, từ đó cung cấp một nền tảng cho các tổ chức đã ký kết để minh chứng cho sự hỗ trợ với các cách phù hợp cho từng tổ chức đóng góp vào sự phát triển, áp dụng và thúc đẩy của khung SI số. Giám đốc BIML – Ông Anthony  Donnellan khẳng định trong thời gian tới, OIML đã và đang hoạt động tích cực hơn trong lĩnh vực chuyển đổi số trong Đo lường Pháp định (ví dụ, thành lập nhóm Đặc trách chuyển đổi số OIML). Vì thế, các phát kiến sẽ được đưa ra nhằm đóng góp vào những nguyên tắc phát triển bền vững cũng như các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc (UN). BIPM và OIML cũng khẳng định trong thời gian tới sẽ hướng tới các hoạt động và dịch vụ nhằm cung cấp các nền tảng số liên quan đến dữ liệu đo lường đến tất cả các bên liên quan.

Hà My