Kịp thời tháo gỡ khó khăn về sử dụng mã nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Sáu 10, 2020 | 15:10 - Lượt xem: 1186
Bộ KH&CN đã triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi trong việc sử dụng mã nước ngoài nhằm đảm bảo hình ảnh và uy tín của sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.
Kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhờ mã số mã vạch
Mã số mã vạch giúp thúc đẩy thương mại và hội nhập quốc tế thông qua việc: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử toàn cầu; giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi, cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác thương mại; tích hợp với dữ liệu hải quan và cơ quan thuế nhằm tạo thuận lợi cho khai báo, thông quan, tính thuế; hỗ trợ kiểm soát luồng hàng xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các quốc gia, gian lận xuất xứ đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của các doanh nghiệp chân chính, uy tín của các sản phẩm và môi trường kinh doanh từng quốc gia. Để chắc chắn không có chỗ cho gian lận xuất xứ, vì có thể biến một nước nào đó thành điểm trung chuyển hàng xuất khẩu giả sang nước thứ ba, một số nước đã áp dụng các biện pháp trấn áp hàng giả và gian lận xuất xứ để đảm bảo uy tín của sản phẩm hàng hóa của quốc gia mình bằng việc tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhờ mã số mã vạch.
Cũng như nhiều quốc gia, ở Việt Nam, thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, hải quan chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận, làm giả xuất xứ, dán nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trung chuyển hàng hóa trái phép. Việc xác minh sử dụng mã nước ngoài, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc ghi nhãn hàng hóa lưu thông để kịp thời phát hiện các hành vi ghi nhãn hàng gian lận, làm giả sản phẩm tại Việt Nam, tăng cường năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế và đồng thời minh bạch hóa nguồn gốc của các sản phẩm trên thị trường, tăng uy tín đối với khách hàng.
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Để hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp tháng 5/2020, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp chịu nhiều tác động do đại dịch COVID-19, Bộ KH&CN đã chủ động triển khai hàng loạt các hoạt động.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), thứ nhất, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính xác nhận sử dụng mã nước ngoài trong thời gian 1 ngày làm việc.
Theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, nếu hồ sơ không đầy đủ thì trong thời hạn 5 ngày làm việc thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ và đã nộp phí theo quy định thì thời hạn giải quyết là 20 ngày làm việc.
Đồng thời xem xét, đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính này trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và nghiên cứu tích hợp với Cổng thông tin một cửa quốc gia để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về triển khai xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019.
Thứ hai, yêu cầu một số Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương tiếp nhận hồ sơ đăng ký xác nhận sử dụng mã nước ngoài.
Thứ ba, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, giảm 50% mức phí cấp xác nhận sử dụng mã nước ngoài. Điều này cũng đã được ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam ghi nhận Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19 tổ chức vào sáng ngày 9/5/2020.
Liên quan đến kiến nghị giảm 50% phí cấp xác nhận sử dụng mã nước ngoài đã được Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2020/TT-BTC ngày 26/5/2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020), trong đó quy định kể từ ngày 26/5/2020, phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài sẽ nộp phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Thông tư số 232/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính.
Bà Hương cho biết, Bộ KH&CN cũng đã làm việc với các bộ, ngành có liên quan như Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Tổ tư vấn về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục xác nhận sử dụng mã nước ngoài hoặc ủy quyền sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài theo Nghị định 74/2018/NĐ-CP.
Theo đó, các bộ cho rằng, việc sử dụng mã số, mã vạch của các đối tác nước ngoài góp phần giúp hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp doanh nghiệp cố tình sử dụng những mã số, mã vạch nước ngoài mà không được ủy quyền, thậm chí đã có phản ánh từ những tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương
Ngày 25/5/2020, Bộ KH&CN đã có công văn số 1493/BKHCN-TĐC gửi Bộ Tài chính hướng dẫn rõ về bằng chứng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng, bao gồm một trong các hình thức, gồm: Văn bản ủy quyền, thư ủy quyền hoặc hợp đồng gia công hoặc thư điện tử ủy quyền hoặc các hình thức ủy quyền khác được quốc tế công nhận, có ký tên và đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các tài liệu cung cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu (làm rõ quy định tại Khoản 2 Điều 19b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP).
|
Tuy nhiên, qua phản ánh thực tế của doanh nghiệp, các đơn vị quản lý chuyên ngành cũng nhìn nhận trong quá trình triển khai thực tế, việc hướng dẫn sử dụng mã nước ngoài cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa cần được thể hiện rõ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID 19. Các Bộ cũng đã thống nhất, Bộ KH&CN sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính, trong đó hướng dẫn cụ thể về các hình thức uỷ quyền cho phép sử dụng mã nước ngoài, việc tăng cường thực hiện hậu kiểm đối với doanh nghiệp sử dụng mã nước ngoài.
Bộ KH&CN đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thông báo cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng những trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận hoặc uỷ quyền sử dụng mã nước ngoài để theo dõi, tổ chức thực hiện hậu kiểm. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác hậu kiểm đối với việc sử dụng mã nước ngoài của doanh nghiệp xuất khẩu, bà Hương cho hay.
Việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam của Bộ KH&CN sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hơn ý thức trách nhiệm đối với việc sử dụng mã nước ngoài của mình, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của Việt Nam và quốc tế cũng như vẫn đảm bảo được hình ảnh và uy tín của sản phẩm, hàng hóa, giảm thiểu các tác động bất lợi của quốc tế có thể gây ra đối với các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, bà Hương cho biết.
Bảo Anh