Kinh nghiệm quốc tế về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và hạ tầng chất lượng quốc gia

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Bảy, Tháng Mười 22, 2022 | 11:51 - Lượt xem: 850

Ngày 21/10, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ (USAID TFP) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSS) và Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) và kiến nghị cho Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL, ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy, ông Trần Quý Giàu – Vụ trưởng Vụ Đo lường cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục.

Về phía USAID TFP có ông Claudio Dordi – Giám đốc Dự án USAID TPF, ông Glenn Bosmans – Chuyên gia quốc tế về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSS), ông Kees R.Jonkheer – Chuyên gia quốc tế về NSS.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp cho biết, trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ. Hiện nay, theo Báo cáo Chỉ số Hạ tầng Chất lượng toàn cầu 2020, Chương trình Chỉ số Hạ tầng Chất lượng Toàn cầu (GQII) của Việt Nam là 54, hạ tầng công nhận là 36, hạ tầng tiêu chuẩn 64, hạ tầng đo lường là 60. Làm sao để các hạ tầng này phát triển, đó chính là một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Cũng theo ông Hiệp, Tổng cục đang đề xuất trình Thủ tướng Đề án phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), trong đó có các cấu phần liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, công nhận. Vừa qua, các chuyên gia đã khảo sát 18 đơn vị, trong đó có các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công nhận, tổ chức đánh giá sự phù hợp, doanh nghiệp, Hiệp hội, cơ quan hải quan,… Qua khảo sát và trao đổi, các chuyên gia đánh giá rất cao nền tảng về thiết bị, con người, hệ thống của Việt Nam. Tuy nhiên để gắn kết với nhau đòi hỏi Hạ tầng chất lượng quốc gia phải phát triển.

“Hiện nay, trong Đề án phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia có một cấu phần rất quan trọng, tuy nhiên hiện đang là yếu nhất của Việt Nam đó là tiêu chuẩn, trong khi đo lường và công nhận đang ở mức tương đối. Chính vì thế, giải pháp đưa ra là Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia phải làm sao để tiêu chuẩn có thể trở thành công cụ tạo ra thuận lợi thương mại, giúp doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chiến lược tiêu chuẩn hóa cách tiếp cận đòi hỏi phải đi từ doanh nghiệp, khu vực công nghiệp, cần chia sẻ trách nhiệm cho cả cơ quan Chính phủ và công nghiệp. Trước đây, cơ quan quản lý nhà nước giữ trách nhiệm hết sức nặng nề trong việc xây dựng tiêu chuẩn thì hiện nay cần xã hội hóa và đặt lộ trình tiêu chuẩn cho các ngành, lĩnh vực từ 5 đến 10 năm. Đây chính là những điểm cần phải học kinh nghiệm quốc tế trong thời gian tới.

Theo ông Claudio Dordi – Giám đốc Dự án USAID TPF, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số sáng kiến nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh, ví dụ Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP đặc biệt tập trung vào đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Sau nhiều năm thực hiện, nhiều hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn ở mức cao (19.1% tổng số hàng hóa nhập khẩu).

Trong khi vấn đề chủ yếu nằm ở thể chế, vẫn còn nhu cầu cấp thiết là đơn giản hóa khung pháp lý điều chỉnh quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Chính phủ yêu cầu sửa đổi và bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất, nhập khẩu trong nhiều luật, bao gồm Luật Chất lượng sản phẩm và hàng hóa 2007 và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 theo hướng áp dụng biện pháp quản lý rủi ro, giám sát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển sang hậu kiểm. Đánh giá 15 năm thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, NSS và Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) là hai nội dung chính để đánh giá tình hình thực hiện hai Luật.

Theo kế hoạch hoạt động hàng năm, Dự án đang hỗ trợ Tổng cục TCĐLCL đưa ra thông lệ quốc tế tốt nhất, đánh giá tình hình, khuyến nghị cho các khuôn khổ của Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và Hạ tầng chất lượng quốc gia cho Việt Nam, nhằm thực hiện sửa đổi 2 Luật sắp tới.

Thông qua Dự án, một nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, Hạ tầng chất lượng quốc gia, đang hỗ trợ Tổng cục thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về thực trạng tiêu chuẩn hóa quốc gia, hạ tầng chất lượng quốc gia tại Việt Nam và những khuyến nghị dựa trên thông lệ quốc tế tốt nhất, những kinh nghiệm nước ngoài về tiêu chuẩn hóa quốc gia, Hạ tầng chất lượng quốc gia.

“USAID mong muốn tiếp tục hợp tác với Tổng cục TCĐLCL cũng như trong các sáng kiến tạo thuận lợi cho thương mại khác nhằm đóng góp vào mục tiêu của Việt Nam là tạo điều kiện tốt nhất trong phát triển bền vững”, ông Claudio Dordi nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và đề xuất khung Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia Việt Nam, ông Glenn Bosmans – Chuyên gia quốc tế về NSS, Dự án USAID TFP cho biết, Bộ Thương mại và Công nghiệp – Cục tiêu chuẩn Philippines (DTI-BPS) với tư cách là Cơ quan Tiêu chuẩn Quốc gia (NSB), có nhiệm vụ phát triển các Tiêu chuẩn quốc gia Philippines (PNS) để bảo vệ người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước năng động bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đồng thời tạo cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế tự do nhằm hướng sản phẩm và dịch vụ của Philippines có tính cạnh tranh toàn cầu.

BPS tiếp tục áp dụng những thông lệ tốt nhất trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình về tiêu chuẩn hóa quốc gia và quốc tế, do đó sáng kiến xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Quốc gia này là rất quan trọng. Mục đích của tài liệu là đưa ra định hướng và hướng dẫn cho các hoạt động tiêu chuẩn hóa của DTI-BPS với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy sự quan tâm của doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Tài liệu này được xây dựng với sự hướng dẫn của ISO, mà BPS là một thành viên tích cực.

Chiến lược này phù hợp với các luật và quy định hiện hành, đóng vai trò như một khuôn khổ trong việc phát triển kế hoạch tiêu chuẩn hóa của cơ quan chính phủ khác nhau và các Tổ chức Phát triển Tiêu chuẩn (SDO). DTI-BPS cũng công nhận sự tham gia của mình với hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế và các SDO khác. Do đó, tài liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thực hiện các hoạt động tiêu chuẩn hóa có hệ thống và chặt chẽ hơn.

Các nguồn lực sẵn có của DTI-BPS đã được cân nhắc xác định các chiến lược thích hợp cũng như nhu cầu và hạn chế của các hoạt động tiêu chuẩn hóa trong nước. Tình hình hiện tại của Philippines, những tiến bộ công nghệ và bất ổn toàn cầu cũng được xem xét để đảm bảo rằng chiến lược giải quyết các vấn đề liên quan và đạt được tiến bộ và phát triển bền vững. Nhìn chung, mục tiêu của DTI-BPS thông qua tài liệu này là hỗ trợ các sáng kiến của Chính phủ Philippines hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững và tiến bộ xã hội.

Tại Malaysia, đã có dự án ARISE Plus của EU năm 2021, dự án về Đánh giá Hạ tầng Chất lượng Quốc gia và soạn thảo Chính sách Chất lượng Quốc gia. Một dự án khác hỗ trợ Cục Tiêu chuẩn Malaysia xây dựng NSS, tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, cung cấp đào tạo và hỗ trợ trực tuyến. 

Theo ông Glenn Bosmans, Malaysia đã xác định được những lĩnh vực trọng tâm, ví dụ như Kinh tế số, Halal, Giao thông vận tải, Logistics, Kinh tế xanh, Năng lượng tái tạo, Kinh tế tuần hoàn… Bên cạnh đó, đã tiến hành phân tích, lập bản đồ Kế hoạch Malaysia lần thứ 12 để đánh giá sự phù hợp với các chủ đề tiêu chuẩn hóa khác nhau và tiêu chuẩn cụ thể.

Phân tích sự tham gia của Cục Tiêu chuẩn Malaysia cho thấy việc tham gia hiện nay vào ISO/IEC phần lớn là đúng đắn. Trong đánh giá Cơ sở hạ tầng Chất lượng quốc gia của Malaysia có một khuyến nghị xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa Malaysia, trong đó xác định vai trò trong tiêu chuẩn hóa, giới thiệu mô hình cơ quan tiêu chuẩn hóa, xem xét nhu cầu của các ngành nghề và tính bền vững.

Tại Hàn Quốc, kế hoạch Tiêu chuẩn hóa Quốc gia lần thứ nhất bắt đầu từ năm 2001, trong giai đoạn đầu thiết lập hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, bắt đầu xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia. Ở giai đoạn tăng tốc, tăng cường năng lực để xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, tạo cơ sở cho tiêu chuẩn khu vực tư nhân, củng cố hệ thống đánh giá sự phù hợp, củng cố các tiểu cấu trúc về tiêu chuẩn. Giai đoạn mở rộng, xây dựng các tiêu chuẩn để tạo dựng thị trường toàn cầu, mở rộng cơ sở của các tiêu chuẩn để hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp; hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống, thiết lập hệ sinh thái tiêu chuẩn bền vững.

Về tầm nhìn và kế hoạch hành động của Kế hoạch Tiêu chuẩn Quốc gia thứ tư: Với tầm nhìn tăng cường hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; Mục tiêu là dẫn đầu thị trường toàn cầu, hỗ trợ tăng trưởng ngành nghề, nâng cao mức sống, hệ thống tiêu chuẩn do thị trường thúc đẩy. Định hướng tập trung vào ngành công nghiệp hội tụ, tiêu chuẩn hóa dựa trên ngành nghề, tăng cường dịch vụ tiêu chuẩn hóa, hệ sinh thái tiêu chuẩn do khu vực tư nhân dẫn dắt. Kế hoạch hành động là dẫn đầu thị trường toàn cầu; hỗ trợ tăng trưởng ngành nghề; nâng cao mức sống; hệ thống tiêu chuẩn do khu vực tư nhân dẫn dắt.

Hay tại Idonesia, mục tiêu quốc gia về Tiêu chuẩn hóa và Đánh giá sự phù hợp từ hệ thống hỗ trợ giai đoạn 2015-2020 sang hệ thống chủ đạo giai đoạn 2020-2030 là bảo vệ cộng đồng, giữ gìn môi trường và phát triển bền vững; tăng niềm tin vào các sản phẩm quốc gia thị trường nội địa; cải thiện khả tăng tiếp cận thị trường nhờ đổi mới sáng tạo quốc gia; tăng khả năng tiếp cận của sản phẩm trong nước vào thị trường toàn cầu; tăng lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu.

Tại Singapore, xây dựng hệ sinh thái tiêu chuẩn vững chắc, có khoảng 2600 đối tác tiêu chuẩn, góp phần xây dựng nhiều tiêu chuẩn và hoạt động quảng bá. Các lĩnh vực trọng tâm về tiêu chuẩn hóa theo kế hoạch chiến lược của Hội đồng Tiêu chuẩn Singapore gồm ba xu hướng chính đang ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu chuẩn hóa ở cấp quốc gia và ngành nghề là sức chống chịu, số hóa, tính bền vững.

Tại Nhật Bản, Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Quốc gia cho Nhật Bản với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Nhật Bản trên thị trường toàn cầu bằng cách thúc đẩy đổi mới; Chiến lược cũng đề cập đến đến hệ thống tiêu chuẩn hóa rộng lớn hơn: công nhận, bao gồm công nhận phòng thí nghiệm, chương trình chứng nhận và các tổ chức chứng nhận được công nhận…

Tại Trung Quốc, Chiến lược tập trung chủ yếu vào nâng cao mức độ phù hợp của hệ thống xây dựng tiêu chuẩn với thị trường và mở rộng đối với sáng tạo trong nền kinh tế và xã hội thông qua tiêu chuẩn bằng cách tăng vai trò của lực lượng xã hội trong hoạt động xây dựng tiêu chuẩn. Ngoài ra, chiến lược còn giải quyết những vấn đề liên quan đến tăng mức độ ảnh hưởng của tiêu chuẩn Trung Quốc trong tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm quốc tề về NQI, ông Kees R.Jonkheer, Chuyên gia quốc tế về NQI cho hay, Trung Quốc đã trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới nhờ thiết lập các tiêu chuẩn. Vào năm 2020, Trung Quốc đã ban hành “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” sau hai năm lập kế hoạch, Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên được xác định bởi mạng lưới và hệ thống công nghệ mới. Còn tại Nhật Bản, thúc đẩy đổi mới để tạo ra thị trường mới, vào năm 2014, một chương trình tiêu chuẩn hóa để tạo ra thị trường mới đã ra đời, chương trình này cung cấp cho các công ty lộ trình thay thế để tạo ra tiêu chuẩn, với mục tiêu xây dựng 100 tiêu chuẩn vào năm 2020.

Hay tại Hàn Quốc, áp dụng chính sách cân bằng khu vực để thúc đẩy sự phát triển của các vùng. Một trong những chiến lược hàng đầu là nâng cao chất lượng sản xuất, dịch vụ toàn quốc và các trung tâm kinh tế khác của quốc gia, hỗ trợ QI của quốc gia. Tại Ấn Độ sử dụng các lộ trình chiến lược theo ngành để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng tiêu chuẩn, bên cạnh đó, chương trình nâng cao chất lượng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Tại Indonesia mục tiêu chung là tăng cường tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Tại Singapore thiết lập môi trường chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Tại Malaysia tăng cường Hạ tầng chất lượng thông qua ưu đãi thuế.

Ông Kees R.Jonkheer cũng đưa ra 12 khuyến nghị cho khung thể chế NQI của Việt Nam. Trong đó, một là cho phép Khu vực tư nhân tham gia. Hai là, thành lập Hội đồng QI. Ba là, thiết lập danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Bốn là, thay đổi cách tiếp cận sang hướng dịch vụ. Năm là, cải thiện hoạt động thử nghiệm

Sáu là, giảm bớt gánh nặng cho các phòng thí nghiệm. Bảy là, thiết lập một cơ quan công nhận. Tám là, cải thiện cách tiếp cận dựa trên rủi ro. Chín là, tăng cường hợp tác song phương. Mười là, thực hiện QĐ 569/QĐ-TTg. Mười một là, cập nhật lĩnh vực đo lường. Mười hai là, khuyến khích sự tham gia ở cấp độ quốc tế.

Hà My