Kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng SPHH dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Chủ Nhật, Tháng Hai 11, 2024 | 15:12 - Lượt xem: 466

Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã tiến hành triển khai công tác kiểm tra để cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo trong đó tập trung vào thực phẩm nhập khẩu đóng gói sẵn và vàng trang sức mỹ nghệ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà nội.

Hàng năm, mỗi khi Tết đến xuân về, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng đột biến nhất là những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm; một số hàng hóa có nhu cầu tiêu dùng cao như vàng, trang sức mỹ nghệ.

Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Kế hoạch số 115/KH-BCĐ389 ngày 08/12/2023 của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; công văn số 157/BCĐ389-VPTT ngày 08/12/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả về việc tăng cường kiểm soát, đấu tranh, phòng chống buôn lậu mặt hàng Vàng và Kế hoạch số 161/KH-TĐC ngày 12/01/2024 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về việc kiểm tra đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã tiến hành triển khai công tác kiểm tra để cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo trên trong đó tập trung vào thực phẩm nhập khẩu đóng gói sẵn và vàng trang sức mỹ nghệ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà nội, trong đó tập trung vào các cơ sở kinh doanh lớn, đầu mối phân phối cho thị trường Hà Nội, các tỉnh lân cận.

Nội dung kiểm tra:

– Về đo lường, chất lượng: Kiểm tra theo nội dung quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ.

– Về nhãn hàng hóa: Kiểm tra theo nội dung quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ; Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP; Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN ngày 26/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan; Kiểm tra đối chiếu nội dung nhãn hàng hóa với hồ sơ, tài liệu kèm theo hàng hóa.

Qua quá trình vừa kiểm tra, vừa khảo sát Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã xử phạt đối với 01 tổ chức và 01 cá nhân liên quan đến vi phạm về không kiểm định, kiểm định cân phân tích trong kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ không được kiểm định, hết hạn kiểm định.

Nhìn chung đa phần các cơ sở kinh doanh có ý thức chấp hành quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, đoàn kiểm tra hướng dẫn cơ sở kinh doanh thực hiện việc ghi nhãn và lưu giữ hồ sơ công bố chất lượng hàng hóa theo đúng quy định. Riêng đối với hàng hóa là vàng trang sức, mỹ nghệ các quy định về nhãn hàng hóa đã được các cơ sở thực hiện tốt, đúng quy định, chất lượng ghi trên nhãn theo đúng tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Như vậy, đối với hàng hóa là thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu, khi mua hàng người tiêu dùng cần lưu ý về nhãn gốc và nhãn phụ đối với hàng hóa đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về nhãn hàng hóa. Đối với vàng, trang sức mỹ nghệ, ngoài việc xem xét các nôi dung ghi nhãn, người tiêu dùng cần lưu ý về tiêu chuẩn công bố áp dụng đối chiếu với các nội dung ghi trên nhãn đính kèm và khắc trực tiếp trên hàng hóa.

Hiện nay, rất nhiều cửa hàng kinh doanh vàng đã có trang bị thiết bị thử nghiệm nhanh về chất lượng vàng, vì vậy khi mua hàng có đề nghị thử trực tiếp để kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa mình mua, so sánh với tiêu chuẩn công bố áp dụng đã được cơ sở kinh doanh công bố.