Kiểm soát chất lượng trái cây ở chợ đầu mối

Thứ Tư, Tháng Chín 26, 2018 | 10:07

 Hiện nay, tại các chợ đầu mối, hầu hết lượng trái cây ở đây do thương lái thu mua ở những vùng khác nhau và chưa có nguồn gốc xuất xứ. Để thực hiện Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn nội thành, Hà Nội đang đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc trái cây bán trên thị trường, trong đó có các chợ đầu mối nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Khó khăn truy xuất nguồn gốc
Hiện nay, TP Hà Nội có 2 chợ đầu mối và 5 chợ hoạt động với tính chất đầu mối, trong đó hoạt động kinh doanh rau, củ, quả, trái cây, nông sản chủ yếu tập trung ở 3 nơi: Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) có khoảng 41 hộ kinh doanh trái cây với sản lượng tiêu thụ 150 tấn/ngày; chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) có 10 hộ kinh doanh với sản lượng 55 tấn/ngày; chợ Long Biên (quận Ba Đình) có 296 hộ kinh doanh với lượng hàng hóa lưu chuyển 150-200 tấn/ngày. 
 
Hoa quả bán tại chợ đầu mối Long Biên

Nhìn chung, các chợ đầu mối là kênh phân phối nông sản nói chung và trái cây nói riêng đến kênh tiêu thụ nhỏ, lẻ nằm rải rác trong nội thành, khu vực đông dân cư. Do Hà Nội chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng mới các chợ đầu mối nông sản tổng hợp (quy mô trung bình 50ha/chợ) tại các vị trí cửa ngõ giao thông theo quy hoạch nên hoạt động của các chợ nêu trên vẫn duy trì ở quy mô nhỏ (trung bình 0,3ha/chợ) và chưa phát huy triệt để chức năng chợ đầu mối tập trung, chưa thu hút đa dạng chủng loại trái cây cung cấp cho thị trường Hà Nội, trong khi nhu cầu tiêu thụ trái cây của Hà Nội luôn ở mức cao.

Về những hạn chế của việc kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, lượng trái cây vận chuyển từ các nơi khác về không được bố trí đủ vị trí, nên các hộ kinh doanh tự ý mở các điểm tập kết, gây mất trật tự, an toàn giao thông xung quanh khu vực chợ mỗi khi nhập hàng. Trong khi đó, số lượng trái cây có giá trị cao, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, thương hiệu riêng được bao gói chuyên nghiệp, bảo quản cẩn thận từ khâu thu hoạch đến khâu tiêu thụ tại chợ đầu mối còn ít; phần lớn trái cây kinh doanh được bày ở thùng thô sơ (xốp, giấy, gỗ…), gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra điều kiện kinh doanh của các hộ kinh doanh trái cây ở các chợ đầu mối cho thấy, hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn; tiểu thương vẫn lấy hàng từ các tỉnh, thành phố hoặc nhập khẩu, đóng thùng mang về Hà Nội tiêu thụ, gây khó khăn cho các ngành chức năng về kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tăng cường công tác quản lý

Mục tiêu của Hà Nội đến hết năm 2018, có 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và các điều kiện cần thiết khác theo quy định; kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về an toàn thực phẩm ở cửa hàng kinh doanh trái cây trong các quận nội thành… Trước hết, để tăng cường quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố, các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý theo thẩm quyền và quy định, phát huy vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát việc kinh doanh trái cây trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, tiếp tục vận động người tiêu dùng quan tâm mua sản phẩm trái cây an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Sở sẽ phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển hỗ trợ vùng sản xuất triển khai ứng dụng mã Qrcode để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái cây bằng thiết bị di động; mở rộng kết nối thông tin trên mạng internet với các địa phương, vùng trồng cây ăn quả tại Việt Nam và kết nối dữ liệu với doanh nghiệp nhập khẩu trái cây từ nước ngoài.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội chủ động và phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, tập huấn cho người sản xuất, kinh doanh trái cây thực hiện những quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; thông tin về hành vi mới khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong quá trình trồng, thu hái và bảo quản nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho trái cây. Ban Quản lý chợ đầu mối yêu cầu các chủ hộ kinh doanh trái cây bày bán phải nguyên vẹn, không dập nát hoặc bị hư hỏng, bề mặt không thâm, thối, ủng, mốc, bảo đảm mùi vị đặc trưng, không có mùi lạ. Trái cây phải bảo đảm những chỉ tiêu về tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, độc tố, vi sinh vật tương ứng với từng loại theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với trái cây nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định. Để kiểm soát chặt chẽ việc này, Ban Quản lý chợ phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác kiểm tra truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu giám định chất lượng các sản phẩm trái cây bán tại chợ theo định kỳ, đột xuất hoặc theo phản ánh của người dân và công khai kết quả kiểm nghiệm…

Theo hanoimoi.com.vn