Kiểm soát chất lượng để phát triển thị trường
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 7, 2018 | 14:18 - Lượt xem: 1033
Việt Nam cần chuẩn hóa quy trình canh tác cho nông dân và sản xuất cho doanh nghiệp theo tiêu chuẩn toàn cầu để rút ngắn khoảng cách tiếp cận thị trường trong nước cũng như nước ngoài.
Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn chất lượng nông sản, thực phẩm… cần thiết phải có bộ phận chuyên trách. Bộ phận này có trách nhiệm cập nhật, thậm chí dự báo được những thay đổi, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất nhập khẩu. Bộ phận này có đủ năng lực, trang thiết bị cần thiết để làm việc với các thị trường để nắm bắt những tiêu chuẩn chất lượng mới. Đồng thời, đủ năng lực triển khai hỗ trợ cho hoạt động canh tác, sản xuất trong nước.
Theo đánh giá của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển ngành chế biến nông sản, thực phẩm; không chỉ đơn thuần là tiềm năng về xuất khẩu mà còn cả tiêu thụ trong nước. Việt Nam là thị trường lớn với quy mô hơn 90 triệu dân, có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10 năm qua duy trì ở mức 6,5%/năm.
Tiềm năng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm rất lớn. Tuy nhiên, thách thức của doanh nghiệp trong nước chính là nội lực sản xuất còn yếu và thiếu. Rất ít doanh nghiệp có quy mô đủ lớn để tạo lập chuỗi cung ứng và có khả năng dẫn dắt doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ hơn cùng phát triển.
Chưa hết, nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước thiếu và không ổn định, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp không chủ động về số lượng, chất lượng, giá cả nguyên liệu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp lớn trong ngành lương thực thực phẩm rất khó khăn trong việc liên kết phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Để tháo gỡ những rào cản cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu cho rằng, Việt Nam cần chuẩn hóa quy trình canh tác cho nông dân và sản xuất cho doanh nghiệp theo tiêu chuẩn toàn cầu để rút ngắn khoảng cách tiếp cận thị trường trong nước cũng như nước ngoài.
TH