Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy năng suất

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Mười 25, 2021 | 10:11 - Lượt xem: 1445

Báo cáo Năng suất Việt Nam 2020 cung cấp một bức tranh toàn cảnh về năng suất của nền kinh tế, năng suất các ngành và năng suất của doanh nghiệp Việt Nam cùng với điểm nhấn khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy năng suất.

Bức tranh toàn cảnh về năng suất lao động Việt Nam

Trong những năm vừa qua, năng suất lao động Việt Nam đã có sự gia tăng so với giai đoạn trước. Cụ thể, tốc độ tăng NSLĐ bình quân giai đoạn 2016–2020 là 5,88%/năm, cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2011–2015 là 4,24%/năm. Tính chung giai đoạn 2011-2020, NSLĐ bình quân tăng 5,06%/năm.

Tốc độ tăng bình quân 5,88%/năm giai đoạn 2016–2020 đạt mục tiêu tăng NSLĐ bình quân hàng năm đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Giai đoạn 2016-2020: tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm cao hơn 5,5%”. Đây là được xem là một thành công và điều tích cực của Việt Nam trong các nỗ lực nâng cao năng suất.

Việt Nam được coi là một quốc gia có tăng trưởng NSLĐ cao nhất ở khối ASEAN và cũng là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất cao ở Châu Á. So với quốc gia có mức năng suất dẫn đầu Châu Á là Singapore, khoảng cách về năng suất giữa Singapore và Việt Nam đã giảm đáng kể, từ mức cao gấp 21 lần vào năm 1990, khoảng cách hiện tại là 11,3 lần. Những nỗ lực này đã giảm khoảng cách về năng suất của Việt Nam so với các nước phát triển trên thế giới.

Đóng góp và tăng trưởng năng suất lao động Việt Nam vừa qua đã thể hiện vai trò nổi trội của việc tăng năng suất nội ngành. Trong đó, đóng góp của tăng năng suất nội ngành vào tăng trưởng năng suất của Việt Nam đạt 65,3%, giai đoạn trước đây chuyển dịch cơ cấu kinh tế đóng vai trò chủ đạo trong tăng năng suất, giai đoạn hiện nay tăng năng suất của các ngành kinh tế đã có vai trò nổi trội hơn, thúc đẩy năng suất của Việt Nam.

Một đặc điểm tác động tăng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chính là trang bị vốn trên lao động ngày càng gia tăng. Ngược lại với việc trang bị vốn ngày càng gia tăng, năng suất vốn giảm liên tục. Đặc biệt, năng suất vốn của Việt Nam có xu hướng giảm liên tục, trong đó thể hiện hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, trung bình giảm (-) 1,5% (giai đoạn 2011 – 2020). Trong khi đó bình quân của các nước ASEAN giảm khoảng (-) 3,5%.

Về tốc độ tăng TFP và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2011 – 2015, Việt Nam tăng TFP đóng góp khoảng 33,5% vào tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2016 – 2020, tăng TFP đóng góp khoảng 45,7% vào tăng trưởng kinh tế. Có thể thấy, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) không ngừng được cải thiện, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất của các nước thành viên APO.

KHCN và ĐMST là động lực phát triển kinh tế

Khoa học và công nghệ thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Giai đoạn 2011-2020, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,5% giai đoạn 2011- 2015 lên 45,7% giai đoạn 2016 – 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020.

Một trong những điểm sáng của hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm qua là sự thăng hạng trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO theo từng năm. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia được xếp hạng.

Trong giai đoạn 2010-2020 có sự thăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo tác động làm tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, khi phân tích hệ số tương quan cho thấy rằng mức độ tương quan giữa chỉ số đối mới sáng tạo GII và NSLĐ Việt Nam là không chặt chẽ.

Cụ thể, giữa năng suất lao động và các yếu tố đầu vào của chỉ số đổi mới có mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau. Nhóm chỉ số đầu vào của chỉ số đổi mới sáng tạo có sự thăng hạng thì sẽ kéo theo sự tăng lên của năng suất lao động Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2020.

Với số liệu từ năm 2010 – 2020, mối quan hệ tương quan giữa năng suất và các chỉ số đầu ra của chỉ số ĐMST là không chặt chẽ. Các yếu tố đầu ra của đổi mới sáng tạo chưa là động lực để thúc đẩy năng suất.

Đưa KHCN và ĐMST trở thành động lực nâng cao năng suất

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cũng có một số vấn đề khi đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực nâng cao năng suất.

Thứ nhất, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế: DN hấp thụ công nghệ chủ yếu thông qua nhập khẩu tư liệu sản xuất. Kênh chuyển giao công nghệ thông qua FDI còn hạn chế do mối liên kết giữa FDI và các DN địa phương hạn chế. Sự liên kết đặc biệt yếu trong các lĩnh vực công nghệ cao. Tương tự, kênh chuyển giao công nghệ từ dịch chuyển lao động vẫn còn hạn chế.

Thứ hai, thị trường KH&CN phát triển còn chậm, còn ít các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung – cầu. Các trung tâm dịch vụ KH&CN còn chưa phát huy hiệu quả trong thúc đẩy dịch vụ môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá, định giá, thẩm định, giám định công nghệ. Các chính sách kinh tế (chính sách đầu tư, thuế, đấu thầu, …) chưa khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều các phát minh, sáng chế trở thành sản phẩm cuối cùng và thương mại hoá. Đầu tư cho khoa học, công nghệ hiệu quả chưa cao. Việc xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập còn chậm.

Thứ ba, đầu tư để phát triển KHCN&ĐMST còn rất hạn chế Đầu tư để phát triển khoa học và công nghệ tuy đã có nhiều chuyển biến, được chú trọng nhưng mới chỉ đạt dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước – quá thấp so với nhu cầu của hoạt động khoa học và công nghệ, tỷ lệ chi cho KH&CN trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ năm, nhân lực làm công tác khoa học còn thiếu và yếu Đội ngũ cán bộ KHCN đã tăng về số lượng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đội ngũ cán bộ KHCN Việt Nam hiện còn phân tán, thiếu tập trung với một bộ phận không nhỏ còn chưa tận tâm với nghiên cứu khoa học. Cơ chế thị trường chưa thực sự vận hành trong lĩnh vực nhân lực KHCN. Cơ chế trả lương chưa phù hợp với thị trường, đang còn bị chi phối bởi quy định của Nhà nước.

Hà My