Khát vọng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
Thứ Năm, Tháng TưTháng Tư 22, 2021 | 15:09
“Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) hiểu đúng nghĩa chính là Giải thưởng Chất lượng Doanh nghiệp Quốc gia với 7 tiêu chí đánh giá toàn diện chất lượng doanh nghiệp (DN). Đối với những DN tham gia, dù có trúng giải hay không thì GTCLQG vẫn là một “tấm gương sáng” để bản thân DN tự soi chiếu”, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) khẳng định với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn).
Thưa ông, GTCLQG là Giải thưởng danh giá nhất về chất lượng do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Vậy ông đánh giá như thế nào về tác động của GTCLQG với DN trong những năm qua và trong năm 2020?
GTCLQG hiểu đúng nghĩa chính là Giải thưởng Chất lượng DN Quốc gia. GTCLQG của Việt Nam được mô phỏng theo mô hình GTCLQG của Hoa Kỳ với 7 tiêu chí đánh giá chất lượng của DN. Trong đó, chất lượng DN không chỉ thể hiện là sản xuất ra sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn, mà còn đánh giá toàn diện hoạt động của DN, giúp DN phát triển bền vững. Thực tế, có rất nhiều những giải thưởng tôn vinh DN được cộng đồng hoặc một số đơn vị tổ chức trao giải. Tuy nhiên theo tôi, đó thường là những giải thưởng đánh giá còn khá phiến diện về quy mô DN hoặc sản phẩm… Trong khi đó, GTCLQG là một giải thưởng danh giá đánh giá sâu sắc mọi mặt của DN.
Vậy khát vọng của GTCLQG đối với DN là gì, thưa ông?
Trước hết, với những DN tham gia, dù có trúng giải hay không thì GTCLQG cũng chính là “tấm gương sáng” để DN tự soi chiếu. Từ những câu hỏi được đặt ra trong 7 tiêu chí đánh giá, tự DN sẽ nhận thấy được mình đang nằm ở vị trí nào và cần phải cố gắng ra sao.
Trong quá trình làm việc, tôi cũng đã tiếp xúc với rất nhiều DN và gửi cho họ mẫu tiêu chí đánh giá, quy trình tham gia GTCLQG. Một số DN ban đầu khá tâm đắc, tuy nhiên sau khi về nghiên cứu, DN lại thấy mình chưa đủ khả năng để tham gia, nhưng họ cho biết, sẽ lấy các tiêu chí trong GTCLQG để tiếp tục phấn đấu.
Từ các minh chứng trên có thể thấy, kể cả với DN tham gia hay không tham gia thì GTCLQG đã thực sự tác động đến cộng đồng DN, là mục tiêu để các DN chinh phục. Và khi DN nghĩ được như vậy, họ chính là các “ứng viên tiềm năng” của GTCLQG.
Đối với những DN đã đạt được GTCLQG, nếu DN làm tốt hiệu ứng quảng bá thì rõ ràng thương hiệu, tiếng tăm của DN sẽ được tăng lên và tiến xa hơn trên con đường sản xuất kinh doanh. Cụ thể, những DN đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia sẽ được đề cử tham gia và có cơ hội đạt được Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn tác động rất lớn, các DN chịu ảnh hưởng nặng nề. Với nền tảng 7 tiêu chí dựa trên nguyên tắc, nguyên lý và phương pháp quản lý hiện đại, theo ông, GTCLQG đã giúp gì cho DN vượt qua khó khăn?
GTCLQG được đánh giá dựa trên 7 tiêu chí, bao gồm: Vai trò lãnh đạo; Hoạch định chiến lược; Định hướng vào khách hàng; Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; Định hướng vào nguồn nhân lực; Quản lý quá trình hoạt động; Kết quả hoạt động. Hiểu đơn giản, GTCLQG quản lý, đánh giá khắt khe từ khâu cung cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm đầu vào; toàn bộ quá trình sản xuất, đến đầu ra là nguồn khách hàng. Đồng thời cũng đánh giá hàng loạt các tiêu chí về vai trò của người lãnh đạo, nguồn nhân lực của DN… một cách tỉ mỉ và chuyên nghiệp.
GTCLQG chính là giải thưởng dành cho các DN phát triển toàn diện và bền vững. Sự bền vững ở đây nói lên “sức khỏe” của DN không phải là “sức khỏe” tức thời mà là “sức khỏe” lâu dài, đặc biệt khả năng chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài.
Đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng rất lớn khiến cho nhiều DN lao đao phá sản. Nhưng tôi tin rằng, những DN đã tham dự và đạt GTCLQG thì sức chịu đựng của DN rất tốt và có thể vượt qua được khó khăn. Ví dụ, đối với những DN bình thường không quan tâm phát triển nguồn nhân lực thì khi xuất hiện khủng hoảng, DN lập tức cắt giảm nguồn nhân lực hoặc tìm mọi cách để hạn chế chi phí… Thế nhưng đối với DN đã tham dự GTCLQG, 1 trong 7 tiêu chí đánh giá của Giải thưởng là phát triển nguồn nhân lực- bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực ngày một tốt hơn – thì DN sẽ tìm mọi cách để giữ chân người tài và tìm cơ hội để phục hồi, phát triển.
Hiện nay, có một thực trạng là sau khủng hoảng Covid-19, ngành du lịch đang rất lo lắng khi thiếu hụt nguồn lực, bởi trong khủng hoảng, nhiều DN du lịch đã không giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi bị sa thải, lập tức nguồn nhân lực này phải đi tìm công việc phù hợp, và khi họ đã tìm được công việc mới ổn hơn thì rất khó để kéo họ về công việc cũ. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp du lịch đó tham dự GTCLQG thì chắc chắn họ sẽ có cách xử lý khác, cùng chia sẻ với người lao động, đến lúc dịch bệnh được kiểm soát thì nguồn nhân lực đã sẵn có và DN đó bứt tốc rất nhanh so với các DN sau khủng hoảng mới bắt đầu chiêu mộ người tài.
Với vai trò là thành viên trong Hội đồng GTCLQG, ông có góp ý gì để Giải thưởng được triển khai ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn?
Tính từ năm 2009 đến nay, GTCLQG đã thu hút được hàng nghìn DN tham dự Giải. Trong đó có 161 lượt DN đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia, 655 lượt DN đạt GTCLQG. Có nhiều DN nhiều lần tham dự giải đã chứng tỏ Giải thưởng đã có sự thu hút mạnh mẽ đối với DN Việt Nam.
Tuy nhiên, một thực tế trong thời gian qua là sự lan tỏa của Giải thưởng vẫn chưa được như mong muốn. Bởi vậy, cần nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá cho hoạt động của Giải thưởng cũng như hoạt động đào tạo chuyên gia, đánh giá, tập huấn cho DN tham dự Giải thưởng…
Nhận thức được vấn đề trên, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cũng đã có những thay đổi phù hợp. Cụ thể, trước đây Hội đồng sơ tuyển GTCLQG chỉ có ở các địa phương (giao cho Sở Khoa học và Công nghệ địa phương) phụ trách, sau đó trình lên Hội đồng Quốc gia và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các DN đạt Giải, nhưng bây giờ ngoài Hội đồng sơ tuyển tại các địa phương thì các Bộ, ngành cũng có thể tìm, sơ tuyển giới thiệu DN tiêu biểu. Đây chính là một điểm mới để ngày càng nhiều DN hiểu sâu sắc hơn nữa giá trị của GTCLQG, giúp nâng cao vị thế của Giải trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Xen (thực hiện)