Khai thông thành công thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười Một 27, 2019 | 15:19 - Lượt xem: 3342

Từ tháng 12/2019, nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc có thể bắt đầu dán tem Truy xuất nguồn gốc có chứng nhận của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia và Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Hoa (CCIC).

Đây là một trong những nội dung triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cụ thể, Trung Mã số mã vạch Quốc gia và Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Hoa (CCIC) đã thống nhất chi tiết về mặt kỹ thuật và bắt đầu triển khai thực tế từ tháng 12/2019. Hai bên sẽ thực hiện những nội dung đã thỏa thuận nhằm tiến tới hợp tác thừa nhận kết quả xuất nguồn gốc lẫn nhau một cách toàn diện đồng thời thúc đẩy và hỗ trợ thông quan nhanh chóng đối với các sản phẩm hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung Mã số mã vạch Quốc gia và CCIC ký kết hợp đồng triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản của Việt Nam bắt đầu từ tháng 12/2019. 

Ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, từ đầu tháng 12/2019, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam sẽ được triển khai thực tế trên các mặt hàng hoa quả, trái cây. Các loại hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được áp dụng thực hiện như: thanh long, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu. Riêng đối với các sản phẩm thủy sản sẽ tiến hành thực hiện từ đầu năm 2020. Về phía Tập đoàn, CCIC sẽ tác động Hải quan Trung Quốc để thông báo thực hiện theo đúng lộ trình một cách nhanh nhất.

“Nếu như trước đây 1 container phải mất 3-4h để thông quan thì sau khi thực hiện truy xuất nguồn gốc thời gian chỉ còn vài phút để thông quan 1 xe container nông sản“, ông Chính cho hay.

Như vậy, từ tháng 12/2019, nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc có thể bắt đầu dán tem Truy xuất nguồn gốc có chứng nhận của Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia và CCIC.

Trước đó, ngày 1/7/2019, Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia và CCIC và thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo CCIC, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ siết chặt kiểm soát mã vùng trồng và mã xưởng. Vì vậy các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam đang có hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc cần kịp thời cập nhật để tránh những rủi ro sau này.

Ở diễn biến khác, Cục Xuất – Nhập khẩu ( Bộ Công Thương) cũng đã có những lưu ý với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, đó là sản phẩm nông sản xuất khẩu cần có truy xuất, đăng kí vùng trồng; có đăng ký các nhà sản xuất bao gói; có ghi nhãn, thậm chí hiện nay một số doanh nghiệp Trung Quốc yêu cầu đóng nhãn vào bao bì.

Hiện nay, với 9 loại trái trái cây xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, đã có 1.200 mã số vùng trồng được cấp, có khoảng 564 cơ sở sản xuất đã được Trung Quốc đồng ý. Cùng với vải, dưa hấu cũng đang được thắt chặt yêu cầu nhập khẩu chính ngạch với quy định cao hơn về bao bì. Cụ thể, dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải dùng xốp lưới; mít dùng giấy dai Kraft, bao bì có in thông tin truy xuất; chuối dùng thùng giấy, túi nhựa để bọc trái đều phải in truy xuất nguồn gốc.

Theo đánh giá của Cục Xuất – Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2019 xuất khẩu rau quả Việt Nam tụt giảm đáng kể. Trong nhiều nguyên nhân thì việc Trung Quốc – thị trường chiếm hơn 70% thị phần đã siết chặt biên mậu, đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc và tăng cường quản lý chất lượng được đánh giá là có tác động lớn nhất.

Do đó, việc đẩy mạnh hợp tác của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc với các bên liên quan nhằm khơi thông những vướng mắc về truy xuất nguồn gốc – vấn đề đang trở thành rào cản trong xuất khẩu nông sản là bước đi tích cực và chủ động giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi trong giao dịch thương mại, thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Bảo Anh