Khai mạc Hội nghị ACCSQ 53: Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ACCSQ
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Bảy 13, 2020 | 17:43 - Lượt xem: 1535
Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ).
Hội nghị lần thứ 53 Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ) diễn ra trong hai ngày 13-14/7/2020 theo hình thức trực tuyến. Hội nghị lần này cũng chứng kiến sự chuyển giao vai trò Chủ tịch ACCSQ từ Thái Lan sang Việt Nam. Kể từ nhiệm kỳ 2011-2012, đây là lần tiếp theo Việt Nam đảm nhiệm vị trí này.
Phát biểu tại lễ chuyển giao, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng đoàn Việt Nam tham gia ACCSQ cảm ơn Thái Lan đã hoàn thành vai trò Chủ tịch ACCSQ nhiệm kỳ vừa qua cũng như ACCSQ đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ACCSQ trong thời khắc lịch sử, cũng đúng vào Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam hi vọng nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên ASEAN và sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN để đảm bảo tiến độ hoàn thành các mục tiêu của ACCSQ trong nhiệm kỳ 2020-2021.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cũng uỷ quyền cho bà Vũ Thị Tú Quyên, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế điều hành chương trình nghị sự của Hội nghị ACCSQ 53.
Có thể nói năm 2020 là cột mốc mang tính bản lề, trong đó ACCSQ đề ra mục tiêu đạt được các thỏa thuận quan trọng như: MRA ASEAN về ô tô, MRA ASEAN về vật liệu xây dựng, thoả thuận pháp lý về y dược cổ truyền và thực phẩm chức năng, chỉ thị thiết bị y tế. Việc hoàn thành các văn bản trên sẽ góp phần thực hiện Kế hoạch Chiến lược của ACCSQ giai đoạn 2016 – 2025, từ đó hỗ trợ thương mại nội khối đối với các sản phẩm ưu tiên hội nhập của ASEAN.
Một nội dung đặc biệt trong kế hoạch 2020 của ACCSQ là sáng kiến Năm Chủ tịch ASEAN về “Xây dựng lộ trình thúc đẩy sản xuất thông minh trong ASEAN”. Thông qua sáng kiến này, ACCSQ sẽ kết nối với Tổ chức Năng suất châu Á (APO), tổ chức liên chính phủ về năng suất khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 21 nền kinh tế thành viên (tính đến năm 2020). Sáng kiến không chỉ mở ra hướng hợp tác mới cho ACCSQ (trước đó ACCSQ chủ yếu hợp tác với các đối tác truyền thống như ISO, IEC, EU, PTB…) mà còn thể hiện nỗ lực lan toả các kết quả làm việc của Uỷ ban nhằm thúc đẩy năng suất chất lượng của ASEAN nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
Các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của ACCSQ 1. Ký kết MRA ASEAN về phê duyệt kiểu đối với sản phẩm ô tô 2. Ký kết MRA ASEAN về vật liệu xây dựng 3. Thống nhất và thông qua Thoả thuận ASEAN về quy chế quản lý hài hoà đối với y dược cổ truyền 4. Thống nhất và thông qua Thoả thuận ASEAN về khung quy chế thực phẩm chức năng 5. Thông qua Chương trình làm việc của Nhóm công tác về Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp về Thương mại số 6. Ký kết Hiệp định khung sửa đổi của ASEAN về MRA 7. Phê chuẩn Chỉ thị Thiết bị y tế ASEAN 8. Hoàn thành Sáng kiến năm 2020 về xây dựng lộ trình thúc đẩy sản xuất thông minh trong ASEAN |
Trong hai ngày 13-14/7/2020, dưới sự chủ trì của Việt Nam, ACCSQ sẽ thảo luận để tìm ra phương hướng thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu nói trên, trao đổi về chương trình hợp tác song phương với các đối tác như ISO, EU, PTB, Hoa Kỳ, Úc.
Bảo Anh