Kết quả áp dụng Phương pháp sản xuất tinh gọn

Thứ Hai, Tháng Mười Hai 9, 2024 | 10:10

1. Giới thiệu

Công ty TNHH Chuyển giao Tri thức Chí Tân đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao nhiệm vụ triển khai chương trình “Nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng Phương pháp Sản xuất tinh gọn (LEAN) cho Doanh nghiệp chế biến cao su thiên nhiên và chế biến sản phẩm từ gỗ” thuộc “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020.

2. Kết quả áp dụng

2.1 Mô hình Lean Cơ bản

Qua 2,5 năm, Công ty đã triển khai hướng dẫn cho 15 doanh nghiệp chế biến cao su áp dụng phương pháp sản xuất tinh gọn. Nhóm đề tài đã tổng hợp các bước thực hành Lean và đề xuất mô hình triển khai Lean cơ bản như trong hình 1.

Hình 1: Mô hình Lean cơ bản

Diễn giải mô hình

Trong khuôn khổ của đề tài, mô hình này chỉ áp dụng giới hạn tại khu vực sản xuất mà chưa đề cập đến các bộ phận khác trong doanh nghiệp.

Mô hình này được thiết kế dựa trên nguyên tắc PDCA. Cách doanh nghiệp trong ngành cao su có thể sử dụng mô hình này để từng bước triển khai Lean trong doanh nghiệp của mình và đạt được các kết quả giảm lãng phí, tăng năng suất. Mô hình này đã triển khai và trải nghiệm trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhânm cổ phần đều có thể áp dụng được với sự điều chỉnh phù hợp cho từng loại hình. Một số đặc thù của các nhóm trong ngành cần lưu ý để áp dụng thành công Lean trong doanh nghiệp.

2.2 Kết quả áp dụng Lean

Kết quả áp dụng Lean trong 15 doanh nghiệp chế biến cao su được tổng kết dưới đây.

Về xác định lãng phí và 5S: 15 doanh nghiệp đã tiến hành xác định lãng phí có trong doanh nghiệp. kết quả có trên 8 lãng phí/ doanh nghiệp và 5S đã đạt được kết quả tốt trên 60 điểm. Các kết quả triển khai các công cụ khác được phân theo 3 nhóm như sau:

a. Nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước

Đặc trưng của nhóm này là:

– Vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp nhóm này thuộc về nhà nước. Nhà xưởng, máy móc được trang bị tương đối hiện đại và đồng bộ,

– Nguồn nhân lực đồi dào, các cán bộ thường có trình độ đại học, khả năng tiếp thu, áp dụng duy trì Lean cao.

– Năng suất của nhóm doanh nghiệp này tăng nhẹ sau khi áp dụng Lean. Năng suất thường tăng trên 10%. Phần chi phí sản xuất cũng giảm theo khi năng suất lao động tăng. Sau đây lả bảng thống kê năng suất lao động và chi phí tiết kiệm của nhóm doanh nghiệp này.

Việc tăng năng suất trong nhóm này chủ yếu thông qua việc cân bằng thời gian làm việc, số lượng công nhân trên chuyền để sắp xếp lại chuyền cho phù hợp, giảm các lãng phí về mặt bằng, thời gian, số lượng công nhân.

Do năng lực tài chính tốt, nhóm doanh nghiệp này có thể đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải, khí thải, tái sử dụng nước, đầu tư hệ thống chuyển đổi từ sử dụng khí butan (gas) sang hệ thống đốt bằng sinh khối thực vật (biomass). Các hệ thống này giúp giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính CO2, tiết kiệm được chi phí năng lượng đến 30%. Xem Bảng 2.

Bảng 2: Giải quyết các vấn đề về môi trường

Số tiền tiết kiệm trong một doanh nghiệp khi chuyển đổi tử đốt củi từng lò sang đốt lò trung tâm là 1.352.531.972 đồng và lượng khí nhà kính CO2 giảm được là 803,78 tấn.

Vốn đầu tư vào các công trình xử lý nước thải và khi thải lớn giúp các công ty trong ngành cao su đạt được các quy chuẩn môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời giảm chi phí sử dụng năng lượng.

Cơ chế để kích thích sáng tạo đổi mới thường chưa rõ ràng, các cán bộ công nhân viên chưa có động lực để tham gia vào tiến trình áp dụng Lean trừ khi có yêu cầu từ cấp trên.

b. Nhóm doanh nghiệp tư nhân.

Đặc trưng của nhóm này là:

– Máy móc, nhà xưởng trong loại hình doanh nghiệp này được trang bị thường có công suất nhỏ, công suất không đồng bộ (trừ các doanh nghiệp sản xuất mủ ly tâm)

– Nguồn nhân sự hạn chế về số lượng lẫn chất lượng, việc triển khai Lean chỉ tập trung ở vài nhóm nhỏ.

– Các hệ thống xử lý nước thải, khí thải được trang bị vừa đủ để đạt theo yêu cầu, tuy nhiên các hệ thống đốt lò bằng biomass đã được đầu tư từ rất sớm nhằm tiết giảm chi phí.

– Các đề xuất cải tiến thường được chỉ đạo và thực hành rất nhanh một khi lợi ích nhìn thấy được. Các bước cải tiến rất nhẹ nhàng và nhanh gọn, kết quả cải tiến được ứng dụng ngay và nhân rộng cho các xưởng khác trong doanh nghiệp. Một số kết quả thực hành năng suất của nhóm này như sau:

Bảng 3: Bảng theo dõi thực hành năng suất nhóm Doanh nghiệp tư nhân.

– Nhóm doanh nghiệp này có mức tăng năng suất lao động tạc các công đoạn tốt hơn nhóm nói trên từ 10 – 40% và tiết kiệm được hơn 860 triệu do giảm tỷ lệ hạ loại sản phẩm, tiết kiệm điện.

– Nhóm doanh nghiệp này chưa có các quy chế thưởng. Việc thưởng tùy thuộc vào Chủ doanh nghiệp và thường là thưởng nóng theo cảm xúc.

c. Nhóm doanh nghiệp chế biến sâu

Nhóm này dùng cao su thiên nhiên chế biến thêm một bước thành các sản phẩm để bán trực tiếp cho người sử dụng. Máy móc của nhóm doanh nghiệp này được đầu tư cuốn chiếu theo thời gian, Máy mới đầu tư thường có công suất cao, hiện đại, ít phế phẩm, ít có cơ hội cải tiến, tuy nhiên các máy móc đời cũ hơn vẫn nhiều cơ hội để áp dụng các công cụ Lean. Việc ứng dụng Lean là yếu tố sống còn trong việc giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tận dụng công suất máy. Việc tăng năng suất của các doanh nghiệp này khá cao so với nhóm a và b. Các kết quả thực hành Lean của nhóm này được tổng kết trong bảng 4.

Bảng 4: Kết quả thực hành năng suất của nhóm chế biến sâu

Năng suất lao động công đoạn của nhóm này có thể tăng từ 20 – 100% khi áp dụng các các công cụ trong Lean.

Điểm chung của các nhóm là các công cụ Lean được áp dụng trong ngành này bao gồm: Xác định các lãng phí, 5S, Kaizen, Cân bằng chuyền, Sắp xếp mặt bằng, cá biệt vài công ty áp dụng Sơ đồ phân tích quá trình (PAM). Việc áp dụng công cụ Lean nào tùy thuộc vào điều kiện của từng doanh nghiệp.

3. Kết luận:

Năng suất tăng trên 10%, tiết kiệm chi phí trên 2,2 tỷ đồng, giảm khí thải nhà kính CO2 803,78 tấn …là kết quả có thể nhìn thấy được. Mức độ thành công của mỗi nhóm doanh nghiệp đều có những điểm khác nhau về quy mô, phạm vi, song tất cả đều có được cách tiếp cận mới về Lean để năng suất chất lượng một cách đầy đủ, trực quan và mang tính khoa học. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chọn lựa các công cụ Lean, ứng dụng trên các điều kiện thực tế tại doanh nghiệp và mang lại kết quả rất khả quan. Hiệu quả áp dụng được tính như sau:

– Hiệu quả hữu hình:

Doanh nghiệp đã năng cao năng suất được hơn 10 -100 % thông qua việc sắp xếp mặt bằng, hợp lý hóa số lượng công nhân, Kaizen …Mặc khác, giá trị tiết kiệm được do doanh nghiệp áp dụng các công cụ trong Lean đạt hơn 2.284.463.126 đồng và giảm được lượng khí thải nhà kính. Con số này nói lên nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tận dụng tất cả các khả năng để nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận và tồn tại được trong môi trường kinh doanh đầy thử thách.

– Hiệu quả vô hình:

Sau khi tham gia dự án, doanh nghiệp chế biến cao su có được đội ngũ nhân viên biết sử dụng thành thạo các công cụ Lean để nâng cao năng suất chất lượng, giảm chi phí sản xuất và tạo nền tảng vững chắc để giải quyết các vấn đề trong doanh nghiệp về lâu dài.

4. Bài học kinh nghiệm

Sau hơn 2 năm thực hiện nhiệm vụ, các bài học kinh nghiệm được đúc kết từ những kết quả, khó khăn, trở ngại của các thành viên tham gia nhiệm vụ, cụ thể là:

– Sự tham gia của ban giám đốc DN trong việc chỉ đạo áp dụng Lean và cung cấp đầy đủ nguồn lực là những yếu tố then chốt quyết định sự thành công khi áp dụng Lean tại doanh nghiệp.

– Các doanh nghiệp tư nhân cần đầu tư nhiều hơn cho nguồn nhân lực, đầu tư thời gian để họ có thể thực hiện được và duy trì chương trình Lean trong doanh nghiệp.

– Các cấp quản lý trong doanh nghiệp cần kiên trì theo đuổi và quan tâm học hỏi những vấn đề mới liên quan đến các công cụ trong Lean để hỗ trợ hiệu quả cho các thành viên trong nhóm Lean hiện tại và trong tương lai sau này.

– Việc hỗ trợ kịp thời của bên tư vấn cũng là những yếu tố quan trọng. Bên tư vấ làm động lực phụ để thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện Lean trong giai đoạn đầu. Trong quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, việc hỗ trợ của chuyên gia tư vấn đóng vai trò quan trọng trong thành công của dự án.

Nguyễn Đào Duy Tải