ISO ghi nhận thành công của Việt Nam về áp dụng ISO 9001: Bước ‘chuyển mình’ trong cải cách hành chính

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Bảy, Tháng Chín 11, 2021 | 17:21 - Lượt xem: 1341

Áp dụng ISO 9001 giúp chuẩn hóa các quy trình hoạt động, loại bỏ nhiều thủ tục không cần thiết, ngăn ngừa rủi ro trong quá trình hoạt động, rút ngắn thời gian và giảm chi phí phát sinh do xảy ra những sai lỗi hoặc sai sót trong công việc.

Mới đây, Tạp chí ISO Focus của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã đăng tải thông tin về sự thành công của tiêu chuẩn ISO 9001 tại Việt Nam. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp của Việt Nam trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 tại các cơ quan công quyền, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp xu thế xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế của đất nước và hỗ trợ đắc lực cho chương trình cải cách hành chính của Chính phủ.

Góp phần cải cách hành chính

Có một thực tế cần nhìn nhận, trước đây, để đến cơ quan hành chính nhà nước xử lý công việc người dân thường mất khá nhiều thời gian, trải qua những công đoạn rườm rà. Thêm vào đó là thái độ có phần khó chịu của không ít cán bộ tiếp dân, trở thành nỗi “ác mộng” với nhiều người mỗi khi phải gõ cửa cơ quan công quyền. Chính những trở ngại trên đã biến thành câu chuyện bi hài mang tên “hành là chính”.

Trước bất cập đó, hàng loạt giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống quản lý, cải cách hành chính đã được đặt ra. Trong đó không thể không kể đến việc triển khai QĐ 19/2014/QĐ-TTg ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Thông qua áp dụng HTQLCL ISO 9001 người chỉ huy trong cơ quan, đơn vị nắm bắt được toàn bộ hoạt động của đơn vị mình, kiểm soát quá trình giải quyết công việc đến từng bộ phận, cá nhân; đồng thời giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí trong giải quyết, xử lý công việc, bảo đảm “rõ người”, “rõ việc”, “rõ thời gian”, “rõ trách nhiệm” đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. 

Bài viết ghi nhận thành công của Việt Nam trong áp dụng ISO 9001 được đăng trên trang của tổ chức ISO.

Sau quá trình triển khai thực hiện, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 đã “khẳng định được vai trò là công cụ quan trọng, hỗ trợ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chuẩn hóa quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân có liên quan; minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh” như lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trong Hội nghị sơ kết tình hình triển khai Quyết định 19 diễn ra vào đầu tháng 4 vừa qua.

Một minh chứng, việc triển khai áp dụng TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tạo thói quen làm việc khoa học, hiệu quả hơn thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đã xây dựng; Việc tổ chức, thu thập, sắp xếp, lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên, hồ sơ tài liệu được sắp xếp ngăn nắp và có hệ thống theo từng lĩnh vực…

Thông qua việc áp dụng ISO 9001, lãnh đạo đơn vị điều hành công việc có thể phát huy hiệu quả hơn vai trò, đồng thời thiết lập cơ chế giải quyết công việc rành mạch, thống nhất. Cán bộ, công chức được phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình xử lý công việc, đánh giá năng lực chuyên môn, tinh thần, trách nhiệm một cách khách quan.

Việc áp dụng HTQLCL theo ISO 9001 còn làm giảm đáng kể hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức. Các thủ tục hành chính đều có quy trình xử lý niêm yết công khai. Người dân đến cơ quan nhà nước được hướng dẫn tận tình, trả kết quả xử lý đúng hẹn. Chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao, tạo được lòng tin và sự hài lòng của người dân.

Ông Phan Đăng Đông, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN Hà Giang cho biết: “Hà Giang là tỉnh miền núi, chất lượng cán bộ không đồng đều, việc thấu hiểu yêu cầu của tiêu chuẩn ISO đối với từng lĩnh vực hoạt động tại các đơn vị hiện nay còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo các cấp, các ngành; Sự hiểu biết, thực thi tốt nhiệm vụ của cán bộ công chức và sự tham gia, giám sát chặt chẽ của khách hàng (người dân và doanh nghiệp), việc áp dụng HTQLCL theo ISO 9001 vào hoạt động của cơ quan quản lý hành chính nhà nước thực sự đã có hiệu quả, góp phần đắc lực đẩy nhanh công cuộc cải cách hành chính tại địa phương”.

ISO đã được áp dụng vào nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động xây dựng. (Ảnh chụp một góc TP. Hồ Chí Minh)

Tại Quảng Ninh, việc áp dụng TCVN ISO 9001 giúp lãnh đạo và cán bộ công chức viên chức, lao động xử lý công việc nhanh chóng và khoa học, hiệu quả; quy trình thực hiện công việc được kiểm tra chặt chẽ thông qua cơ chế thông tin báo cáo, giúp truy tìm nguyên nhân sai sót nhanh chóng và ngăn chặn tái diễn hiệu quả. Đồng thời, ISO 9001 cũng giúp đảm bảo hồ sơ giao dịch hành chính được giải quyết đúng luật và đúng hạn, công khai, minh bạch; các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa, tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Ông Hà Thế Nam, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Phó trưởng Ban Chỉ đạo ISO tỉnh Quảng Ninh cho biết, ý nghĩa lớn nhất của việc ứng dụng TCVN ISO 9001 vào công tác cải cách hành chính là giúp ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy hành chính nhà nước được nâng cao; tiêu chuẩn và căn cứ đánh giá thành tích công việc được xác lập cụ thể theo nhiều tiêu chí; các khâu giải quyết thủ tục hành chính ngày càng đảm bảo rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm.

Theo ông Nam, nhờ áp dụng TCVN ISO 9001, nền hành chính công của Quảng Ninh ngày càng hiện đại hóa và môi trường công vụ văn minh hơn. Ở các nội dung cụ thể của hành chính công, như: Quản lý tài liệu, hồ sơ, bảo mật các tài liệu quan trọng; hoạt động của các trung tâm hành chính công; quy trình tiếp nhận, giải quyết, trả và kiểm tra kết quả… đều rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng; góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

 Bộ KH&CN làm việc với Bộ Quốc phòng về tình hình áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 tại các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng.

Theo ISO Focus, trong số những kết quả và lợi ích chính quan sát được trong 5 năm qua là hệ thống các cơ quan, tổ chức được thành lập dưới sự quản lý của cơ quan hành chính nhà nước với mục tiêu phát triển, áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng trên thực tế ở tất cả các bộ và các vùng (91% bộ và 98,4% vùng).
Bên cạnh việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện các chế độ nghiệp vụ, tài chính và quản lý công, phương pháp tiếp cận bài bản đã giúp đơn giản hóa và rút ngắn các thủ tục cũng như thời gian xử lý trong các loại hình hành chính.
Việc sử dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO đóng vai trò quan trọng trong cải thiện dịch vụ công, bằng cách cung cấp cách tiếp cận độc đáo và hài hòa đối với các quy định công, trong đó thừa nhận tính minh bạch và đơn giản là những yếu tố cần thiết để củng cố niềm tin, sự hài lòng của công chúng đối với các dịch vụ công.
Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa và quản lý hồ sơ công vụ, tiêu chuẩn ISO 9001 còn là công cụ hỗ trợ đặc biệt hiệu quả cho công tác cải cách hành chính của các cơ quan công quyền. Sự phát triển này đánh dấu cột mốc quan trọng khi Việt Nam nỗ lực thiết lập Chính phủ điện tử và số hóa hơn nữa các quy trình, thủ tục hành chính công.
Tại Bộ Quốc phòng, sau khi có Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã xây dựng Đề án triển khai thực hiện, trong đó chọn 4 đơn vị làm điểm sau đó tổ chức rút kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện trong toàn quân.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và sự cần thiết của việc xây dựng, áp dụng HTQLCL ISO 9001 cho đội ngũ cán bộ và nhân viên, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan đơn vị trong quá trình triển khai, thực hiện. Xây dựng hệ thống tài liệu hướng dẫn áp dụng phù hợp với đặc thù của quân đội.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19 và được Bộ KH&CN có hướng dẫn áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, Bộ Quốc phòng đã tổ chức quán triệt thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt được hiệu quả tương đối tốt.

“Bộ Quốc phòng luôn xác định công tác cải cách hành chính là một trong những đột phá để triển khai các nhiệm vụ hàng năm tại cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Trong đó có áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001”, Trung tướng Nguyễn Tân Cương cho biết.

Những hiệu quả thiết thực 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh, việc áp dụng HTQLCL trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhận thức của cán bộ, công chức về tinh thần cải cách phục vụ nhân dân, doanh nghiệp thay đổi và cải thiện rõ rệt; Đã xây dựng được các quy trình giải quyết công việc một cách khoa học; từng bước cải tiến phương pháp làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ, công chức, phòng, ban giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả; Đơn giản hoá quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết công việc của doanh nghiệp, địa phương, cơ sở.

Đồng thời, các cơ quan, tổ chức đã có ý thức hơn trong việc tổ chức thu thập, sắp xếp, lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên làm căn cứ thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; để tham chiếu khi cần; hồ sơ tài liệu được sắp xếp ngăn nắp và có hệ thống theo từng lĩnh vực công việc;

“Tác phong làm việc của cán bộ, công chức khoa học hơn, nghiêm túc hơn; thái độ giao tiếp với người dân, khách hàng ân cần, cởi mở hơn, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ: cán bộ, công chức là cầu nối giữa luật pháp và người dân, có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật”, ông Linh cho hay.

Đồng thời, góp phần tích cực trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo quy định của Chính phủ; chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao; từng bước tạo lòng tin và sự hài lòng của người dân khi đến cơ quan hành chính nhà nước. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, tác nghiệp hồ sơ và là công cụ hỗ trợ đắc lực phục vụ công tác cải cách hành chính đối với cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, việc áp dụng TCVN ISO 9001 ban đầu khá khó khăn, nhưng đến nay hoạt động này đã trở thành một công cụ hữu hiệu xây dựng nền hành chính hiện đại.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, để tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 19 trong thời gian tới có hiệu lực, hiệu quả cao hơn, Bộ KH&CN đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc hoàn tất các nội dung theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg; tăng cường hoạt động kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo quy định tối thiểu 1 lần/năm. Tổ chức sơ kết việc xây dựng áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001 tại Bộ, ngành, địa phương để nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt.

Hà My