ISO 52000 mở đường cho giải pháp năng lượng sạch

Thứ Sáu, Tháng Tám 25, 2017 | 8:36

Các công trình xây dựng là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Chúng chịu trách nhiệm với hơn một phần ba tổng lượng tiêu thụ năng lượng và một phần hai lượng điện năng sử dụng trên toàn cầu, và theo đó, chịu trách nhiệm cho khoảng một phần ba lượng khí thải carbon toàn cầu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, để hạn chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu xuống còn dưới 2°C thì mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà cần phải giảm 80% vào năm 2050. Nhằm cung cấp một giải pháp gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của các công trình xây dựng, mới đây ISO đã ban hành bộ tiêu chuẩn ISO 52000 về Hiệu suất năng lượng của công trình xây dựng.

Bộ tiêu chuẩn ISO 52000, với tiêu chuẩn đầu tiên là ISO 52000-1 có nhan đề “Hiệu suất năng lượng của công trình xây dựng – Đánh giá tổng thể hiệu suất năng lượng của công trình xây dựng – Phần 1: Khuôn khổ và quy trình chung”, sẽ thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trên thị trường xây dựng thế giới. Trong điều kiện nóng lên trên toàn cầu, bộ tiêu chuẩn ISO 52000 sẽ giúp các kiến ​​trúc sư, kỹ sư và các nhà quản lý đánh giá hiệu suất năng lượng của các công trình xây dựng mới và hiện có một cách toàn diện từ những thiết bị sưởi ấm, làm mát, thông gió và điều khiển thông minh, đến các thiết bị sử dụng năng lượng hoặc tạo năng lượng mà không gây gánh nặng quá lớn lên ngân sách.

Dick van Dijk và giáo sư Essam E. Khalil thuộc nhóm làm việc của ISO về hiệu suất năng lượng của các công trình xây dựng (EPB) cho biết: “Bộ tiêu chuẩn ISO 52000 sẽ cho phép đánh giá hiệu suất năng lượng tổng thể của một công trình xây dựng. Điều này có nghĩa là có thể đưa vào sử dụng bất kỳ sự kết hợp công nghệ nào cho phép đạt được mức năng lượng dự kiến, với chi phí thấp nhất.

ISO 52000 cung cấp một phương pháp toàn diện để đánh giá hiệu suất năng lượng với tư cách là tổng năng lượng chính sử dụng cho sưởi ấm, làm mát, chiếu sáng, thông gió và nước nóng trong công trình xây dựng. Nó sẽ giúp thúc đẩy tiến trình cải thiện hiệu suất năng lượng thông qua việc tận dụng các vật liệu và công nghệ mới và các cách tiếp cận mới về mặt thiết kế, xây dựng và quản lý công trình xây dựng.

Chất lượng thiết kế và tay nghề là những yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến hiệu suất năng lượng của công trình xây dựng.Hiệu suất năng lượng của tòa nhà sẽ được cải thiện đáng kể thông qua sử dụng sản phẩm và vật liệu xây dựng chất lượng cao kết hợp với hệ thống xây dựng kỹ thuật chất lượng cao và công nghệ năng lượng tái tạo. Điều quan trọng là sử dụng cách tiếp cận mang tính hệ thống trong đánh giá hiệu suất năng lượng, có tính đến các tương tác động giữa các hệ thống, người sử dụng và thay đổi trong điều kiện khí hậu ngoài trời.

Các cải tiến về công nghệ và việc áp dụng chúng đòi hỏi một cách tiếp cận mang tính tổng thể. Các quốc gia sử dụng cách tiếp cận như vậy trong nhiều năm, ví dụ như Hà Lan, đã có thể áp dụng một loạt các công nghệ mới trên diện rộng với mức chi phí tiết kiệm. Điều này bao gồm các ý tưởng mới trong lĩnh vực kính cách nhiệt, hệ thống gia nhiệt, làm mát, chiếu sáng, thông gió hoặc hệ thống nước nóng trong gia đình, hệ thống kiểm soát và tự động trong các tòa nhà và các nguồn năng lượng tái tạo.

Bổ sung cho Tiêu chuẩn ISO 52000-1 là một bộ tiêu chuẩn bao gồm các phương pháp tính toán cho hiệu năng sưởi ấm và làm mát của các yếu tố xây dựng, cũng như các khía cạnh về các chỉ số hiệu suất năng lượng, xếp hạng và chứng chỉ,…Các thành phần bổ sung khác để mở rộng phương thức tiếp cận toàn diện cho các công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng dự kiến ​​sẽ được đưa ra trong tương lai gần.

Bộ tiêu chuẩn ISO 52000 do được xây dựng bởi ban kỹ thuật ISO/TC 163 về Hiệu suất nhiệt và sử dụng năng lượng trong môi trường xây dựng và ISO/TC 205 về Thiết kế môi trường xây dựng, phối hợp với Ban kỹ thuật thuộc Uỷ ban Tiêu chuẩn Châu Âu CEN/TC 371 về  Hiệu suất năng lượng của công trình xây dựng và CEN/TC 89 Hiệu suất nhiệt của công trình xây dựng và các bộ phận cấu thành.

(Theo ISO)