ISO 31000:2018: Giúp sản phẩm đứng vững tại các siêu thị lớn
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Sáu 5, 2020 | 14:39 - Lượt xem: 1199
Công ty Cổ phần Thực phẩm Santa áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 tích hợp với tiêu chuẩn ISO 22000:2018 cho quá trình sản xuất trái cây sấy, tỏi đen, hạt điều rang và mật ong trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy mà các sản phẩm của công ty được ưa chuộng và có chỗ đứng tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc.
Theo Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm Santa, ngay từ khi được các chuyên gia năng suất của Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tư vấn và áp dụng ISO 31000:2018 theo chương trình Năng suất chất lượng quốc gia (theo Quyết định 712), ban lãnh đạo công ty đã nhận thấy vai trò của ISO 31000:2018 rất thiết thực trong hoạt động sản xuất. Vậy nên, Ban lãnh đạo công ty đã thống nhất và quyết tâm cao trong việc xây dựng tích hợp hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2008 và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018.
Ông Cao Minh Sang- Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Santa cho biết, công ty áp dụng hệ thống quản lý rủi ro cho lĩnh vực an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 tích hợp với tiêu chuẩn ISO 22000:2018 và đã có kết quả tốt ngay từ những khoảng thời gian đầu thực hiện.
“ISO 31000:2018 tích hợp tiêu chuẩn ISO 22000:2018 phù hợp với đặc thù và định hướng phát triển của công ty. Chính vì vậy, công ty sẽ luôn duy trì áp dụng hệ thống quản lý tích hợp này và không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả cho quá trình áp dụng, tiến tới nhân rộng cho các lĩnh vực kiểm soát rủi ro khác”- ông Cao Minh Sang nhận định.
Việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 và tích hợp với tiêu chuẩn ISO 22000:2018 tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Santa đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Công ty cũng đã thành lập Ban quản trị rủi ro để thực hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình hoạt động. Ban quản trị rủi ro là đầu mối xác định các rủi ro liên quan đến hệ thống, kiểm soát các vấn đề phát sinh, đảm bảo hệ thống được duy trì hiệu lực.
Cùng với đó, ban quản trị rủi ro kết hợp với ban an toàn thực phẩm trong Công ty tiến hành xác định đầy đủ các mối nguy liên quan đến hệ thống, đảm bảo kiểm soát 100% các mối nguy, không để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm.
Các rủi ro liên quan đến hệ thống được định kỳ xem xét, đánh giá tối thiểu 6 tháng/ lần. Trong quá trình thực hiện, khi có phát sinh mối nguy, Ban quản trị rủi ro, Ban an toàn thực phẩm tiến hành trao đổi, xem xét để đánh giá, đưa ra biện pháp kiểm soát phù hợp, đảm bảo hệ thống luôn được duy trì. 100% các vấn đề phát sinh được Ban lãnh đạo Công ty cùng toàn thể cán bộ nhân viên tiến hành xử lý, đáp ứng yêu cầu.
Hồ sơ liên quan đến kiểm soát rủi ro luôn được cập nhật đầy đủ, đảm bảo các dữ liệu được cung cấp khi cần thiết trong quá trình chế biến và cung ứng hàng hóa cho khách hàng.
“Nhờ tiêu chuẩn ISO 31000:2018 và tích hợp với tiêu chuẩn ISO 22000:2018, công ty đã tiết kiệm được 5% chi phí cho quá trình sản xuất, các tính toán dựa trên tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, nhân công và tỷ lệ hàng lỗi. Về chất lượng sản phẩm, công ty không để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm trong quá trình cung cấp ra thị trường.
Hệ thống quản lý tích hợp giúp công ty dễ dàng đưa sản phẩm vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn. Lãnh đạo các phòng chuyên môn nhận thức ngày càng cao về việc xây dựng duy trì và cải tiến hệ thống quản lý tích hợp rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 và tiêu chuẩn ISO 22000:2018”- ông Sang nói.
Sau 5 tháng áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000:2018 và tích hợp với tiêu chuẩn ISO 22000:2018, 100% rủi ro đã được kiểm soát tối đa tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Santa. Trong quá trình đào tạo, trên 95% người lao động ý thức được vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình hoạt động chung của công ty với ISO 31000:2018. |
Nam Dương