ISO 31000:2018 giúp sản phẩm của Long Hải chiếm lĩnh thị trường
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Sáu 16, 2020 | 9:47 - Lượt xem: 1427
Công ty TNHH Long Hải đã áp dụng ISO 31000:2018 để kiểm soát rủi ro về chất lượng sản phẩm liên quan đến quá trình trồng và cung ứng các loại nấm. Từ khi áp dụng ISO 31000:2018, các sản phẩm của công ty có chất lượng tốt hơn, được người tiêu dùng tin tưởng, dần chiếm lĩnh thị trường.
Ban lãnh đạo Công ty quyết tâm cao trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018, đầu tư đầy đủ nguồn lực cho quá trình triển khai xây dựng. Nhờ áp dụng ISO 31000:2018 công ty được đầu tư hệ thống nhà xưởng hiện đại, theo công nghệ tiên tiến, cán bộ nhân viên được đào tạo đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm đã từng bước cạnh tranh trên thị trường nhất là đã cạnh tranh được với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ông Phạm Quang Nhuệ – Giám đốc Công ty cho biết, nhờ áp dụng ISO 31000:2018 theo chương trình Năng suất chất lượng quốc gia được các chuyên gia năng suất của Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tư vấn đã giúp cho Công ty TNHH Long Hải không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả.
Theo ông Nhuệ, việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 trong lĩnh vực an toàn thông tin cho phạm vi trồng và chế biến nấm tại Công ty TNHH Long Hải đã mang lại những hiệu quả nhất định. Cụ thể, các rủi ro liên quan đến hệ thống được xem xét định kì, đánh giá tối thiểu 6 tháng/lần. Ban quản trị rủi ro được đào tạo 100% về cách thức xác định rủi ro, biện pháp xử lý rủi ro.
Hơn 95% mối nguy về an toàn thực phẩm liên quan đến phạm vi áp dụng được xác định và kiểm soát chặt chẽ. Theo thống kê trong 5 tháng áp dụng ISO 31000:2018, tỷ lệ hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình nuôi trồng chế biến giảm 7%. Không ghi nhận khiếu nại của khách hàng về chất lượng, không xảy ra tình trạng mất an toàn khi sử dụng sản phẩm nho của công ty. 100% các điểm tới hạn được kiểm soát chặt chẽ, ban hành mục tiêu. Các mối nguy còn lại đều được theo dõi, đảm bảo trong vùng an toàn.
Cùng với đó, các hồ sơ về kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm cũng được công ty cập nhật đầy đủ, dễ dàng truy cập. Hiện nay giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của công ty vẫn còn hiệu lực, các hoạt động kiểm tra của Sở Y tế về công tác an toàn thực phẩm luôn được đánh giá cao. 100% cán bộ nhân viên trong công ty nắm được các mối nguy về an toàn thực phẩm liên quan đến hoạt động của bộ phận, vị trí mình. Quá trình đào tạo, hướng dẫn trực tiếp đảm bảo cho việc thấu hiểu và áp dụng tốt biện pháp kiểm soát liên quan.
“Nhờ áp dụng ISO 31000:2018 công ty không ghi nhận sự cố, rủi ro mất an toàn thực phẩm xảy ra trong quá trình thực hiện hệ thống. Kết quả phân tích định kỳ của Công ty về ngưỡng nguy hại trong sản phẩm đều đạt yêu cầu đề ra”, ông Nhuệ thông tin.
Cũng theo ông Nhuệ, trong quá trình áp dụng, 100% hoạt động đều được tiếp cận theo các quá trình, tư duy dựa trên rủi ro đảm bảo hệ thống kiểm soát vận hành tốt nhất, các công đoạn có sự kết nối, không bị chồng chéo. Khi phát sinh sai lỗi, việc xử lý diễn ra nhanh chóng, quy đúng trách nhiệm, đảm bảo cải tiến hệ thống, ngăn ngừa rủi ro tiếp theo. “Tuy nhiên, hiện công ty vẫn còn một số tồn đọng, trong năm tới chúng tôi sẽ giải quyết triệt để. Đó là một vài nhân sự tại công ty chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, chưa đào tạo bài bản. Tình hình dịch bệnh cuối năm 2019 đầu năm 2020 cũng ảnh hưởng đến công ty trong việc đầu ra sản phẩm”, ông Nhuệ cho biết.
Nam Dương