ISO 31000:2018 – Giải pháp quản lý rủi ro hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam
Chủ Nhật, Tháng Chín 29, 2019 | 17:00
Trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp đến năm 2020 (Quyết định 712/QĐ-TTg), Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “nhân rộng áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000:2018 cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo; điện – điện tử; sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm”.
Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TTTT), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vừa tổ chức Hội thảo phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 cho các doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực miền Nam.
Tham dự Hội thảo có ông Ngô Văn Mạc – Phó Giám đốc Trung tâm TTTT; ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê; ông Trương Tiến Dũng – Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn; ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Điện lực miền Nam, cùng 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện – điện tử, cơ khí – chế tạo, sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, các doanh nghiệp tư vấn ISO 31000 tại khu vực miền Nam.
Ông Ngô Văn Mạc – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Văn Mạc – Phó Giám đốc Trung tâm TTTT nhận định, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các công ty đã tập trung chú trọng hơn về những rủi ro có thể xảy ra. Ban lãnh đạo công ty, nhất là các tập đoàn lớn đã nhìn nhận sự cần thiết của việc quản lý rủi ro, không chỉ chú trọng đến tình hình tài chính mà còn mở rộng hơn về các rủi ro có thể xảy đến như rủi ro về an toàn sản xuất, về chất lượng, thị trường, pháp luật… Quản lý rủi ro được xem xét như một môn “nghệ thuật” đầy thú vị bởi sự biến động.
Theo một khảo sát của Havard Business Review từ năm 2011, có khoảng 42% công ty 10.000 nhân viên có thêm vị trí Giám đốc Quản lý rủi ro (CRO). Các công ty có thêm vị trí này thường có các công cụ lập kế hoạch cho những rủi ro về tài chính, chi phí vốn, thị trường, chất lượng, an toàn sản xuất… và thông báo cho nội bộ.
Điển hình như tại General Electric, hàng năm ban Giám đốc phát triển một danh sách các rủi ro mà công ty sẽ phải đối mặt trong năm tới và danh sách này được công khai trong nội bộ công ty. Giám đốc Quản lý rủi ro sẽ trực tiếp điều phối các hoạt động, đảm bảo quản lý được các rủi ro trong mọi tình hình. Ngoài ra còn đưa ra các dự báo, kịch bản cho những rủi ro mà công ty có thể sẽ gặp trong thời gian tới.
Ông Bùi Xuân Phong – Chuyên gia Năng suất chất lượng của Tổng cục TCĐLCL.
Liên quan đến áp dụng ISO 31000 và thực trạng công tác quản lý rủi ro tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Bùi Xuân Phong – Chuyên gia Năng suất chất lượng của Tổng cục TCĐLCL cho rằng, rủi ro ảnh hưởng rất nhiều đến các tổ chức có thể có những hậu quả về hiệu quả kinh tế và danh tiếng chuyên nghiệp, cũng như kết quả về môi trường, an toàn xã hội. Do đó, quản lý rủi ro hiệu quả sẽ giúp các tổ chức hoạt động tốt trong môi trường đầy bất trắc.
Sự tích hợp quản lý rủi ro vào quy trình vận hành của công ty là điều cần thiết. Điều này giúp các nhà quản lý hiểu rõ phạm vi rủi ro mà công ty đang phải đối mặt bằng cách xác định lĩnh vực rủi ro chính, đánh giá khả năng rủi ro. Từ đó sẽ có những kế hoạch giảm nhẹ hoặc tận dụng ngược lại các rủi ro.
Ngoài ra, đối với tổ chức sẽ thực hiện hiệu quả ISO 31000, việc quản lý rủi ro mang lại những ưu điểm như: Tạo ra và bảo vệ giá trị; là một phần không thể tách rời của tất cả các quy trình tổ chức; là một phần của việc ra quyết định; rõ ràng giải quyết sự không chắc chắn; có hệ thống, có cấu trúc và kịp thời; dựa trên thông tin có sẵn tốt nhất và được thiết kế riêng; Bên cạnh đó, đưa các yếu tố con người và văn hóa vào tài khoản, thể hiện sự minh bạch và toàn diện; năng động, lặp đi lặp lại và đáp ứng với sự thay đổi và tạo điều kiện cho việc cải tiến liên tục của tổ chức.
Tiêu chuẩn quốc tế ISO 31000:2018 vừa được ban hành sẽ cung cấp các hướng dẫn rõ ràng hơn và ngắn gọn hơn nhằm giúp các tổ chức sử dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro để cải tiến việc hoạch định và ra các quyết định tốt hơn.
So với phiên bản trước, ISO 31000:2018 tập trung vào nhiều vấn đề mang chiều sâu có nhiều điểm mới ưu việt hơn như rà soát các nguyên tắc quản lý rủi ro; Tập trung vào việc lãnh đạo bởi ban lãnh đạo chính là bộ phận đảm bảo rằng quản lý rủi ro được tích hợp vào tất cả các hoạt động của tổ chức, bắt đầu từ việc quản trị tổ chức. Bên cạnh đó, nhấn mạnh hơn tính chất lặp đi lặp lại của quản lý rủi ro, dựa trên kinh nghiệm kiến thức và phân tích mới cho việc sửa đổi các yếu tố quá trình, hành động và kiểm soát từng giai đoạn của quy trình.
Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê.
Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã có những chia sẻ về khó khăn và bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong quản lý rủi ro. Theo ông Bính, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo được coi là trái tim của nền kinh tế đất nước. Với hàng chục nghìn doanh nghiệp, hàng chục triệu lao động, và đóng góp tỷ trọng lớn trong cán cân thương mại của cả nước, khối doanh nghiệp này cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro về chiến lược, tri thức, tài chính, cung ứng, công nghệ, thị hiếu, an toàn thực phẩm… trong quá trình vận hành.
Có thể thấy, sự thành công của một tổ chức luôn gắn liền với những thử thách không thể dự đoán được, cụ thể là những rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh. Rủi ro về sức khỏe, an toàn, những mối nguy tự nhiên, những nguy cơ về kỹ thuật và môi trường đang ngày càng tăng nhanh, tất cả điều này đều gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp. Những biến đổi trong nền kinh tế hiện tại ảnh hưởng đến doanh nghiệp theo hai chiều hướng cả tích cực lẫn tiêu cực.
Toàn cảnh Hội thảo.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kiểm soát và chế ngự mọi nguy cơ, tối thiểu hóa rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động, sản phẩm dịch vụ, đây chính là điều kiện tiên quyết để hướng đến sự phát triển bền vững trong kinh doanh. Phương pháp mang tính chiến lược trong việc quản lý rủi ro chính là áp dụng ISO 31000. Quản trị rủi ro đang dần trở thành yếu tố trong chiến lực phát triển của tổ chức doanh nghiệp.
ISO 31000 có thể áp dụng cho bất kỳ rủi ro nào cho dù nó tích cực hay tiêu cực, áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, hiệp hội, cộng đồng, nhóm hoặc cá nhân.
Hồng Vân