ISO 22340:2024 – Nền tảng bảo mật chủ động cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số
Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Sáu 3, 2025 | 10:02 - Lượt xem: 93
Trước những mối đe dọa an ninh mạng ngày càng gia tăng, tiêu chuẩn ISO 22340:2024 ra đời như một kim chỉ nam toàn diện cho kiến trúc bảo mật doanh nghiệp.
Điểm cốt lõi của ISO 22340:2024 là sự nhấn mạnh vào khái niệm kiến trúc bảo mật doanh nghiệp (enterprise protective security architecture). Điều này vượt xa các biện pháp bảo mật cục bộ phổ biến như hiện nay, thay vào đó đòi hỏi một cái nhìn tổng thể về các rủi ro và biện pháp kiểm soát trên toàn bộ hoạt động của tổ chức. Tiêu chuẩn hướng dẫn việc tích hợp các biện pháp bảo mật vào chính chiến lược kinh doanh, giúp doanh nghiệp chuyển dịch từ tư duy bị động (chỉ phản ứng khi sự cố xảy ra) sang mô hình chủ động trong quản lý rủi ro. Theo đó, an ninh không còn là một chi phí phát sinh mà là một khoản đầu tư chiến lược, được thiết kế để dự đoán, ngăn chặn và giảm thiểu các mối đe dọa trước khi chúng có thể gây tổn hại nghiêm trọng.
Là một tiêu chuẩn mới, việc áp dụng ISO 22340:2024 tại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, nhưng tiềm năng phát triển là rất lớn, đặc biệt là đối với một quốc gia đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng. Điều đó đang được thể hiện rõ nét ở một số các doanh nghiệp, lĩnh vực riêng biệt. Có thể kể đến như:
Doanh nghiệp công nghệ và viễn thông, đây là nhóm tiên phong áp dụng tiêu chuẩn này. Với vai trò trọng yếu trong nền kinh tế số và là mục tiêu thường xuyên của các mối đe dọa mạng, các công ty trong lĩnh vực này đang tích cực tìm kiếm các giải pháp chuẩn hóa để củng cố hệ thống bảo mật của mình. Việc áp dụng ISO 22340:2024 sẽ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia như Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác về an ninh mạng, đòi hỏi các tiêu chuẩn tương thích.
Còn đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước, sự ra đời của Luật Dữ liệu (Law on Data), có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, yêu cầu các cơ quan nhà nước phải thiết lập các biện pháp bảo vệ dữ liệu phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. ISO 22340:2024 cung cấp một khuôn khổ lý tưởng để các cơ quan này xây dựng và duy trì một kiến trúc bảo mật toàn diện, đảm bảo an toàn cho dữ liệu công và thông tin cá nhân.
Cuối cùng về mảng sản xuất, dịch vụ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, từ sản xuất chế tạo đến dịch vụ hậu cần, cũng đang nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản và thông tin. ISO 22340:2024 giúp họ nâng cao khả năng chống chịu trước các rủi ro, đồng thời đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về bảo mật và an toàn thông tin, mở rộng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, việc triển khai ISO 22340:2024 cũng đặt ra những thách thức nhất định. Đầu tiên là về chi phí, việc đầu tư vào công nghệ, quy trình và nguồn lực con người để đáp ứng tiêu chuẩn là một khoản chi phí đáng kể, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam.
Ngoài ra, để tiêu chuẩn thực sự đi vào hoạt động hiệu quả, cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu và liên tục để nâng cao nhận thức, kỹ năng về an ninh cho toàn bộ nhân viên. Sự thay đổi văn hóa tổ chức để an ninh trở thành trách nhiệm của mỗi cá nhân là một quá trình dài.