ISO 22301: Nâng cao khả năng phục hồi và phát triển cho doanh nghiệp Việt
Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Năm 20, 2025 | 9:54 - Lượt xem: 125
Tiêu chuẩn ISO 22301 về Hệ thống Quản lý Kinh doanh Liên tục (BCM) đang trở thành công cụ chiến lược giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng ứng phó rủi ro, duy trì hoạt động ổn định và nâng cao uy tín trên thị trường.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Tiêu chuẩn ISO 22301:2019, do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) ban hành, cung cấp khuôn khổ giúp tổ chức nhận diện rủi ro, xây dựng kế hoạch ứng phó và phục hồi hiệu quả sau sự cố, từ đó duy trì hoạt động liên tục và ổn định.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã chủ động áp dụng và đạt chứng nhận ISO 22301, tiêu biểu như:
Viettel IDC là một trong những doanh nghiệp tiên phong đạt chứng chỉ ISO 22301:2019 cho bốn trung tâm dữ liệu và bảy nhóm dịch vụ, bao gồm cho thuê chỗ đặt, Public Cloud, Private Cloud, Cloud PC, Cloud Camera… Việc áp dụng tiêu chuẩn này giúp Viettel IDC đảm bảo dịch vụ liên tục, tăng cường độ tin cậy và mở rộng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Nhiều doanh nghiệp đã thấy rõ tầm quan trọng của tính liên tục trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Bình Vinh, một doanh nghiệp chuyên sản xuất nước đóng chai đã nhận thấy rõ lợi ích khi áp dụng ISO 22301 trong hoạt động sản xuất. Ngoài vấn đề chung của một hệ thống quản lý ISO, Công ty đã thực hiện phân tích tác động kinh doanh, đưa ra các chiến lược và giải pháp để kiểm soát sự cố, tác động lớn ảnh hưởng đến công ty. Kế hoach kinh doanh liên tục là kết quả cốt lõi của quá trình triển khai ISO 22301 tại Công ty.
Áp dụng ISO 22301 có thể giúp doanh nghiệp đảm bảo khả năng phục hồi vận hành; sự chuẩn bị đối với các tình huống khẩn cấp; quản trị tốt doanh nghiệp; quản lý khủng hoảng; phục hồi thảm họa; bảo mật chuỗi cung ứng; bảo vệ danh tiếng trong một cuộc khủng hoảng; chuẩn bị cho sự cố công nghệ; lập kế hoạch cho việc mất đột ngột các nguồn lực quan trọng; chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp khác.
Để đạt được chứng nhận ISO 22301, doanh nghiệp cần thực hiện các bước như đánh giá rủi ro, xác định các quy trình kinh doanh quan trọng, xây dựng kế hoạch ứng phó và phục hồi, đào tạo nhân viên và thường xuyên kiểm tra, cập nhật hệ thống quản lý.
Trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, việc áp dụng ISO 22301 không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững và ổn định của nền kinh tế quốc gia.