IATF 16949 – Giấy thông hành trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngành ô tô

Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Sáu 9, 2025 | 15:02 - Lượt xem: 90

Tại Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng tiêu chuẩn IATF 16949 để nâng cao năng lực, cạnh tranh và khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

IATF 16949 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng (QMS) dành riêng cho ngành công nghiệp ô tô. Được phát triển bởi Lực lượng Đặc nhiệm Ô tô Quốc tế (International Automotive Task Force – IATF), tiêu chuẩn này ra đời nhằm hài hòa các yêu cầu về QMS của các nhà sản xuất ô tô lớn trên toàn cầu. IATF 16949 được xây dựng dựa trên cấu trúc của ISO 9001, nhưng bổ sung các yêu cầu cụ thể và nghiêm ngặt hơn, tập trung vào việc ngăn ngừa sai lỗi, giảm sự biến động và lãng phí trong chuỗi cung ứng ô tô.

Trong ngành công nghiệp ô tô, nơi chất lượng và độ an toàn là yếu tố tối quan trọng, IATF 16949 đóng vai trò là “giấy thông hành” để các nhà cung cấp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà sản xuất ô tô lớn (OEMs) như Ford, General Motors, Stellantis, BMW, Volkswagen, Renault, và Daimler thường yêu cầu các nhà cung cấp của họ phải đạt được chứng nhận IATF 16949.

IATF 16949 là tiêu chuẩn về các yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng, trong đó bao gồm yêu cầu đặc trưng cho ngành công nghiệp ô tô.

Tiêu chuẩn này không chỉ đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu chất lượng khắt khe mà còn thúc đẩy một hệ thống quản lý chất lượng định hướng theo quy trình, tập trung vào cải tiến liên tục, phòng ngừa khuyết tật và giảm thiểu sự biến động cũng như lãng phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Việc tuân thủ IATF 16949 giúp các nhà cung cấp chứng minh được năng lực của mình, xây dựng lòng tin với khách hàng và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng IATF 16949 trở thành một xu thế tất yếu và là yếu tố sống còn để cạnh tranh. Điển hình là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải Thaco Auto (Chu Lai) đã áp dụng IATF 16949 trong sản xuất linh kiện nhựa, kim loại cho xe du lịch và xe tải, đồng thời cung cấp cho đối tác nước ngoài như Kia, Mazda. Hay như Công ty TNHH hệ thống dây Sumi-Hanel là Công ty liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Hanel và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) chuyên sản xuất hệ thống dây dẫn điện dùng cho các ngành công nghiệp ô tô, xe máy và điện tử là đối tác của các “ông lớn” tại Nhật Toyota, Honda cũng đã áp dụng thành công tiêu chuẩn trên để đưa sản phẩm của mình ra thị trường.

Mặc dù lợi ích rõ ràng, nhưng việc đạt chứng nhận IATF 16949 đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn về nhân lực, quy trình, thiết bị và đào tạo nội bộ. Ngoài ra, quá trình đánh giá – giám sát cũng rất nghiêm ngặt, đòi hỏi sự cam kết từ lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang được kỳ vọng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, việc sở hữu chứng chỉ IATF 16949 không chỉ là xu hướng mà là điều kiện sống còn nếu doanh nghiệp muốn đứng vững và phát triển bền vững trong ngành công nghiệp ô tô thế giới.