Hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam và Đài Loan
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Sáu 7, 2024 | 18:22 - Lượt xem: 312
Trong khuôn khổ hợp tác với Trung tâm Năng suất Đài Loan (CPC), ngày 7/6/2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Ủy ban) chủ trì cuộc họp với đại diện Trung tâm CPC và các doanh nghiệp thuộc Đài Loan trong lĩnh vực năng lượng xanh và năng lượng tái tạo.
Về phía Việt Nam, Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban, chủ trì tiếp đoàn. Phía Đài Loan, ngoài Trung tâm CPC còn có sự có mặt của các đại diện Doanh nghiệp xanh của Đài Loan, bao gồm: Công ty Shinfox Energy Group, Công ty FOXWELL Power (thuộc Shinfox), Công ty Global Green Material, Công ty Green Matrix Consulting và Công ty Great Talent Tech.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể nhằm hướng tới tăng trưởng xanh bền vững, góp phần tích cực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Các sáng kiến như Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và cam kết của COP26 nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 toàn cầu vào năm 2050 nêu bật sự cống hiến của Việt Nam cho phát triển môi trường bền vững.
Việc đảm bảo một tương lai phát triển bền vững và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 là nhiệm vụ quan trọng hướng tới một môi trường sạch hơn, kiên cường hơn. Nhằm hướng tới mục tiêu đó, Ủy ban đã xây dựng Tổ Công tác khí thải nhà kính, dưới sự điều hành của TS. Hà Minh Hiệp, với mục tiêu giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường của các ngành công nghiệp, đồng thời nâng cao năng suất và tăng cường khả năng phục hồi trước những thách thức trong tương lai.
Chia sẻ tại cuộc họp, đại diện cho Đài Loan chia sẻ kế hoạch của Đài Loan: ‘Con đường đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050’, trong đó nêu ra bốn chuyển đổi lớn về năng lượng, công nghiệp, lối sống và xã hội. Kế hoạch bao gồm hai nền tảng quản trị thiết yếu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D) và luật về khí hậu, được hỗ trợ bởi 12 chiến lược chính. Những chiến lược này bao gồm các nguồn tái tạo (gió và mặt trời, hydro, năng lượng đổi mới), hệ thống năng lượng (lưu trữ, tiết kiệm và hiệu quả), khử cacbon (thu giữ, hấp thụ và phương tiện không thải cacbon), không rác thải, lối sống xanh, tài chính xanh và công bằng chuyển tiếp.
Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Đài Loan đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên trong cơ cấu năng lượng lần lượt lên 20% và 50%, đồng thời giảm tỷ lệ than xuống 30% vào năm 2025.
Cuộc họp là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ vai trò và tác động của các bên liên quan trong việc ứng dụng năng suất xanh trong nền kinh tế tuần hoàn, cùng nhau tìm ra giải pháp giúp đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Anh Vũ