Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp từ nền kinh tế tuần hoàn
Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 24, 2021 | 10:12
Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp tại Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất.
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Kinh tế tuần hoàn đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.
Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với doanh nghiệp Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến thời điểm này, đã có khoảng 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đánh giá nhanh và gần 100 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn, để trở thành các mô hình điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.
Trong những năm qua, mô hình sản xuất sạch hơn đã được đẩy mạnh triển khai rộng rãi. Với sự dẫn dắt của các doanh nghiệp tiên phong, đang và sẽ có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tập trung đầu tư, hướng tới việc đổi mới quy trình công nghệ, dây chuyền sản xuất bằng cách phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Chính vì vậy, một số mô hình điển hình theo hướng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Bộ Công Thương triển khai tích cực trong thời gian vừa qua, điển hình là: Áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp; Xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn thành công về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; Phát triển, triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn hộ gia đình sử dụng các dạng năng lượng tái tạo (như mặt trời, khí sinh học…) tại chỗ quy mô công nghiệp.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tuần hoàn, vực dậy doanh nghiệp và đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trước hết doanh nghiệp phải tập trung hoàn thành trách nhiệm trong các chuỗi cung ứng và triển khai hiệu quả hơn. Theo đó, doanh nghiệp phải nghĩ việc trở lại như là một sức mạnh mới và bền bỉ để đi xa hơn chứ không chỉ trong ngắn hạn. doanh nghiệp cần dựa vào công nghệ, khả năng về phân tích và toàn cầu hóa để linh hoạt trong kinh doanh.
Cùng với đó là tham gia một cách tích cực trong việc chống lại tác hại của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đặc biệt vai trò dẫn dắt của Chính phủ rất quan trọng, nhất là trong dịch bệnh như hiện nay – các đường lối, chính sách kiểm soát dịch bệnh tốt từ Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hoạt động, từ đó tái đầu tư cho phát triển bền vững.
Theo VietQ