Hướng dẫn của ISO về Tăng tốc chuyển đổi phát thải ròng bằng không
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Sáu 15, 2023 | 9:12 - Lượt xem: 548
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức cấp bách nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Các đánh giá khoa học thông qua các báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã chỉ ra rằng có thể tránh được nhiều hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ toàn cầu đã cao hơn 1 °C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và các kịch bản do IPCC đánh giá cho thấy rằng việc hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 °C đòi hỏi phải đạt được ít nhất lượng khí carbon dioxide toàn cầu bằng không (CO2) vào đầu những năm 2050, cùng với việc giảm sâu và bền vững trên toàn cầu đối với các phát thải khí nhà kính khác. Các kịch bản này cũng cho thấy rằng việc giảm phát thải xảy ra càng sớm và càng nhanh thì hiện tượng nóng lên đỉnh điểm càng thấp và khả năng vượt quá giới hạn ấm lên càng thấp.
Tại Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, Luật bảo vệ môi trường và nhiều chiến lược, chính sách mới về ứng phó biến đổi khí hậu đã được ban hành, các chương trình hành động quốc gia, cấp ngành, địa phương cũng từng bước được xây dựng và triển khai thực hiện. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có một chương quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các quyết tâm, cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển các-bon thấp, hướng tới giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của nhân loại. Cũng tại Hội nghị COP26, lần đầu tiên, thế giới đưa ra được lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ. Để thực hiện lộ trình này, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải nhanh chóng chuyển đổi sang phát triển phát thải thấp. Ứng phó với biến đổi khí hậu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi Việt Nam phải tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu.
Tháng 4/2023, Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) đã công bố tài liệu hướng dẫn về Tăng tốc truyển đổi sang phát thải ròng bằng không. Tài liệu đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn, khuyến nghị nhằm thiết lập một phương pháp tiếp cận khoa học, thống nhất toàn cầu để đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 thông qua việc liên kết các sáng kiến tự nguyện và áp dụng các tiêu chuẩn, chính sách cũng như quy định của quốc gia và quốc tế. Hướng dẫn ISO cũng đưa ra phương pháp, tiêu chí để các tổ chức liên quan có thể làm để đóng góp thiết thực, hiệu quả vào nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 °C bằng cách đạt được phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050. Việc nghiên cứu, sử dụng Hướng dẫn ISO sẽ giúp cho các tổ chức thiết lập các chiến lược, kế hoạch hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu.
Diệu Linh – Vụ Tiêu chuẩn