Hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho DN sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực

Thứ Ba, Tháng Tám 27, 2019 | 9:06

Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã tổ chức 99 hội nghị phổ biến 936 TCVN, 19 QCVN cho gần 3.900 doanh nghiệp; với các TCVN, QCVN trong các lĩnh vực sản phẩm hàng hóa chủ lực.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện hành của Việt Nam tính đến tháng 12/2018 có hơn 11.000 TCVN và khoảng trên 700 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thuộc các lĩnh vực liên quan đến vệ sinh, an toàn, sức khoẻ, an ninh, môi trường, đáp ứng được yêu cầu phục vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp.

 Bà Đoàn Thị Thanh Vân– Trưởng phòngTiêu chuẩn Điện – Điện tử, phổ biến Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11920:2017 “Máy giặt gia dụng – Hiệu quả sử dụng nước” tại khu Thí nghiệm Biên Hòa, Đồng Nai.

Trong thực tế nhu cầu tìm hiểu quá trình xây dựng cũng như việc áp dụng tiêu chuẩn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như cung cấp dịch vụ thương mại là nhu cầu thiết thực, không thể thiếu, vì để triển khai sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp bất kỳ dịch vụ nào ra thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế thì các tổ chức, doanh nghiệp đó phải nắm bắt được các quy chuẩn, Tiêu chuẩn cũng như các văn bản qui phạm pháp luật liên quan. Không những chỉ nắm bắt các Quy chuẩn và Tiêu chuẩn hiện có liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp còn phải luôn cập nhật, theo dõi những thay đổi về chính sách, pháp luật, về công nghệ để đảm bảo luôn cung cấp ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nhằm duy trì sự bền vững lâu dài. Chính vì vậy, việc phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn đến với người áp dụng tiêu chuẩn là hết sức cần thiết.

Liên quan đến hoạt động này, dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” thuộc chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định 1041/QĐ- TTg ngày 1/7/2011 của Thủ Tướng Chính phủ, cũng nêu rất rõ có nhiệm vụ phải tổ chức “Phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn áp dụng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực”.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã tổ chức 99 hội nghị phổ biến 936 TCVN, 19 QCVN cho gần 3.900 doanh nghiệp; với các TCVN, QCVN trong các lĩnh vực sản phẩm hàng hóa chủ lực; các TCVN được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ như Nghị định của Chính phủ về vàng trang sức; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đề án nhiên liệu sinh học; quy định quản lý của Bộ Công Thương về Hiệu suất năng lượng; các QCVN về Xăng, nhiên liệu điêzen, nhiên liệu sinh học, khí dầu mỏ hóa lỏng, … và các TCVN được viện dẫn trong các QCVN như QCVN về thép cốt bê tông, dây và cáp điện, xăng, nhiên liệu điêzen, nhiên liệu sinh học khí dầu mỏ hóa lỏng, QCVN về sữa của Bộ Y tế, …

Bên cạnh đó cũng có các TCVN, QCVN mới công bố và ban hành và các lĩnh vực được xã hội và doanh nghiệp quan tâm, ví dụ như TCVN về khí thiên nhiên, TCVN về phòng cháy chữa cháy, nhiên liệu sinh học, quản lý môi trường, công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý chất lượng …

Quá trình phổ biến hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đã mang lại những hiệu quả, lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xã hội cũng như người tiêu dùng:

Giúp doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng các QCVN, TCVN; tiếp cận thông tin cập nhật, công nghệ tiên tiến thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình phù hợp với những yêu cầu của quản lý nhà nước, xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường quốc tế thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn được hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế;

Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho hoạt động tiêu chuẩn hóa và định hướng hoạt động tiêu chuẩn hóa mang tính chủ động, tích cực, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành một công cụ hữu ích giúp nâng cao năng suất chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

Giúp cho sản phẩm, dịch vụ và quá trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn tạo ra sản phẩm, dịch vụ an toàn, có chất lượng đáp ứng yêu cầu của xã hội, bảo vệ người tiêu dùng, giảm chi phí sản xuất; tạo ra một “kênh thông tin đa chiều” để trao đổi thông tin về việc xây dựng cũng như áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

Giúp các nhà quản lý nắm bắt tình hình thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, từ đó đưa ra kế hoạch, quy hoạch xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng được thực tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Hơn nữa, từ các hội nghị phổ biến này, việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ ngày càng đồng bộ, phát huy hiệu quả vai trò của hoạt động tiêu chuẩn hóa trong sự phát triển chung của nền kinh tế quốc dân.

Trần Thị Thanh Xuân – Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam