Hợp tác Việt – Đức về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Mười Một 13, 2023 | 16:10 - Lượt xem: 871
Trong khuôn khổ của dự án ODA của Chính phủ Đức dành cho Việt Nam về “Thúc đẩy các dịch vụ bảo đảm chất lượng vì năng lượng bền vững” giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Đo lường Đức (PTB), đoàn công tác do ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm trưởng đoàn cùng với đại diện của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện chuyến thăm và làm việc với các cơ quan liên quan tại Đức và Thụy Sĩ về hạ tầng chất lượng quốc gia trong lĩnh vực năng lượng bền vững.
Trong khuôn khổ của dự án ODA của Chính phủ Đức dành cho Việt Nam về “Thúc đẩy các dịch vụ bảo đảm chất lượng vì năng lượng bền vững” giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Đo lường Đức (PTB), đoàn công tác do ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm trưởng đoàn cùng với đại diện của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện chuyến thăm và làm việc với các cơ quan liên quan tại Đức và Thụy Sĩ về hạ tầng chất lượng quốc gia trong lĩnh vực năng lượng bền vững.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã tới làm việc tại các đơn vị quản lý, các cơ quan tiêu chuẩn, đo lường, thử nghiệm như Viện Tiêu chuẩn Đức (DIN), Viện Đo lường Đức (PTB), Viện Pin Quang điện Berlin (PI Berlin), Ủy ban Kỹ thuật điện Quốc tế (IEC) và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO).
Tại châu Âu, Đức hiện là một trong những quốc gia tiên phong giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Đức đã xây dựng nhiều chương trình như Chương trình Hành động vì Khí hậu 2030 và Đạo luật Hành động vì Khí hậu (Klimaschutzgesetz), Chiến lược năng lượng Hydro. Đức quyết tâm loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than vào năm 2038. Chính phủ Đức nhấn mạnh rằng việc đẩy mạnh quá trình chuyển sang năng lượng sạch sẽ tạo cơ hội lớn cho nước này.
Với Chương trình Hành động khí hậu 2030, Đức thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và công nghệ động cơ thay thế trong lĩnh vực giao thông vận tải và đặt ra mục tiêu giảm 55% lượng khí thải nhà kính so với mức khí thải năm 1990 vào năm 2030 đồng thời loại bỏ dần việc sử dụng than để sản xuất điện. Năm 2019, khoảng 43% năng lượng điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo bao gồm năng lượng gió và năng lượng mặt trời – nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước. Lưới điện đang được phát triển để đảm bảo năng lượng xanh có thể được sử dụng trên toàn quốc. Đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 65% tổng lượng điện tiêu thụ. Trước năm 2050, tất cả việc sản xuất và tiêu thụ điện phải trung hòa khí nhà kính.
Các nguồn năng lượng mới như năng lượng hydro, năng lượng gió, năng lượng mặt trời được thúc đẩy mạnh mẽ. Lộ trình tiêu chuẩn hóa ngành năng lượng hydro cũng đã được xây dựng.
Nền tảng hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) của Đức trong lĩnh vực quang điện được xây dựng trên cơ sở của chính sách, quy định, cơ quan đo lường, hiệu chuẩn và hệ thống các tổ chức đánh giá sự phù hợp như thử nghiệm, giám định trong lĩnh vực quang điện …
Trao đổi với đoàn, đại diện Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) cho biết, Chiến lược quang điện ban hành ngày 5/5/2023 gọi tắt là “Chiến lược PV” đề xuất các biện pháp quản lý trong tương lai nhằm thúc đẩy việc mở rộng PV ở Đức nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu về trung hòa khí nhà kính vào năm 2045. Chiến lược PV xác định 11 lĩnh vực hành động và đề xuất các biện pháp tiếp theo để tăng tốc mở rộng lĩnh vực quang điện ở Đức.
Trên cơ sở đó, Viện Tiêu chuẩn Đức cũng đã triển khai các hoạt động thực thi kế hoạch hành động khí hậu bao gồm: thành lập một nhóm hành động, tiến hành trao đổi trong nước và quốc tế, song hành cùng với Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban Tiêu chuẩn Châu Âu (CEN), đề xuất và thực thi các dự án khí hậu của DIN như xây dựng công cụ, hội thảo và hợp tác với các bên liên quan.
Sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan đến các hoạt động quản lý, đảm bảo chất lượng của các tấm PV.
Nền tảng của hoạt động này là đảm bảo chất lượng thông qua đo lường. Tại Viện Đo lường Đức (PTB), đại diện Ban Lãnh đạo Viện Đo lường đã chia sẻ với đoàn công tác về lịch sử phát triển 135 năm của Viện Đo lường Đức trong đó nhấn mạnh những nỗ lực của PTB đã dần làm thay đổi đánh giá của Chính phủ Đức về vai trò của đo lường để tạo sự tin cậy về đo lường trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đối với một nước công nghiệp phát triển như nước Đức, hoạt động đo lường có một vai trò vô cùng quan trọng. Với tỷ lệ 60% đầu tư vào hoạt động nghiên cứu (chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư ngân sách từ Chính phủ Đức), Viện Đo lường Đức không ngừng phát triển và lớn mạnh. Viện đã nghiên cứu, chế tạo các thiết bị tiên tiến trong đó có thiết bị hiệu chuẩn tấm pin quang điện trong phòng và ngoài trời.
Bên cạnh các hoạt động đảm bảo chất lượng thông qua đo lường, các dịch vụ về thử nghiệm, đánh giá chất lượng của các thiết bị quang điện và các nhà máy quang điện cũng phát triển. Viện Pin Quang điện Berlin (Photovoltaik-Institut Berlin, PI Berlin) có vai trò là cố vấn kỹ thuật, quản lý rủi ro và nhà cung cấp đảm bảo chất lượng hàng đầu cho các nhà máy quang điện và thiết bị quang điện. Viện có đội ngũ nhà nghiên cứu, nhà khoa học và kỹ sư giàu kinh nghiệm để cung cấp nhiều dịch vụ thiết kế, thử nghiệm và đánh giá, tập trung vào quản lý rủi ro và đảm bảo chất lượng của thiết bị quang điện và các nhà máy quang điện phức tạp. Viện có phòng thí nghiệm thử nghiệm được công nhận theo tiêu chuẩn IEC 17025 tại Berlin để đánh giá hiệu suất, độ tin cậy và độ bền của các mô-đun năng lượng mặt trời. PI Berlin có phòng thử nghiệm khác được đặt tại Tô Châu, Trung Quốc.
Với sự khuyến khích phát triển điện mặt trời, nhiều thành phố của Đức đã có định hướng phát triển bền vững về năng lượng, khuyến khích thúc đẩy các công trình sử dụng pin quang điện và điện áp mái trên mái nhà các hộ gia đình và các ban công, mang lại nguồn điện dồi dào và tại chỗ. Thành phố Freiburg cổ kính nằm góc tận cùng phía Tây Nam của CHLB Đức, giáp biên giới Pháp và Thụy Sỹ, nơi đoàn đến thăm được mệnh danh là “thành phố của năng lượng mặt trời”, do có nhiều hệ thống sản xuất điện từ năng lượng mặt trời. Các tòa nhà, cơ sở kinh doanh, công nghiệp, trụ sở học thuật, thậm chí cả các nhà thờ và sân vận động đều được bao phủ bởi các tấm pin mặt trời nhằm cung cấp điện năng tái tạo. Chính quyền thành phố khuyến khích thông qua cấp vốn cho các dự án và khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời. Các nhà hoạt động môi trường cũng tham gia tích cực vào hoạt động này thông qua các chương trình giới thiệu về các dự án mặt trời áp mái hộ gia đình đến tận các hộ gia đình nhỏ lẻ và vận động người dân ủng hộ các biện pháp bảo vệ môi trường, thúc đẩy hoạt động xanh của thành phố.
Nhằm tìm hiểu rõ hơn những chính sách và định hướng phát triển hạ tầng chất lượng phục vụ phát triển năng lượng bền vững của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, đoàn đã làm việc với Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) tại Geneva, Thụy Sĩ.
IEC đã xuất bản nhiều ấn phẩm sách trắng nhằm dự đoán xu thế trên thế giới trong nhiều lĩnh vực trong đó có sách trắng về Hệ thống năng lượng trung hòa các bon chủ yếu dựa trên năng lượng tái tạo. Ấn phẩm nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn là cần thiết để đảm bảo khả năng tương tác, duy trì mức hiệu suất và an toàn tối thiểu, đồng thời giúp hướng dẫn quá trình chuyển đổi sang các công nghệ và chế độ vận hành mới. TC 82 của IEC hiện đang tập trung xây dựng các tiêu chuẩn về hệ thống năng lượng quang điện mặt trời nhằm đáp ứng các yêu cầu đó.
Tại phiên làm việc với ISO, ISO đánh giá cao vai trò của Việt Nam tham gia tích cực vào Ủy ban vấn đề các nước đang phát triển (DEVCO) tháng 9/2023 tại Brisbane, Úc và hoạt động của ISO trong những năm vừa qua. Nhằm hướng đến 17 muc tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, ISO đã xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu. ISO cũng khuyến nghị Việt Nam tham gia ISO TC 180 về Năng lượng mặt trời với vai trò thành viên đầy đủ (thành viên P).
Thông qua trao đổi, thảo luận với các cơ quan nêu trên, đoàn công tác tìm hiểu rõ hơn về cơ sở hạ tầng chất lượng của Đức trong lĩnh vực quang điện cũng như các xu thế phát triển, xây dựng tiêu chuẩn trên thế giới trong lĩnh vực này giúp xác định rõ hơn những nội dung hợp tác với Đức trong thời gian tới và tăng cường cơ sở hạ tầng chất lượng của Việt Nam trong lĩnh vực quang điện.
Tú Quyên – Vụ HTQT