Hợp tác về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam – UAE: Tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Halal
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Năm 20, 2021 | 14:59 - Lượt xem: 1200
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng UAE vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác. Đây là khung khổ pháp lý quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường thực phẩm Halal toàn cầu nói chung, cũng như thị trường UAE và Vùng Vịnh nói riêng.
Nhu cầu lớn về thực phẩm Halal
Báo cáo mới đây của nhiều tổ chức quốc tế đã khẳng định tiềm năng rất lớn của thị trường Halal (cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) toàn cầu. Hiện thế giới có gần 2 tỷ người Hồi giáo với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2020; dự báo sẽ tăng hơn 10 lần lên tới 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh và Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng UAE- ông Abdulla Abdelqader Al Maeeni.
Thị trường Halal đang phát triển nhanh, ngoài thực phẩm còn mở rộng sang dược phẩm, mỹ phẩm, dịch vụ… tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông – châu Phi, cho tới châu Âu và châu Mỹ.
Nhu cầu về sản phẩm Halal gia tăng mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo mà còn phản ánh xu hướng nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… ngày càng ưa chuộng các sản phẩm Halal do đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường… Trong số các nước Hồi giáo có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa lớn phải kể đến Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Dubai, Kuwait, Malaysia, Indonesia… Đây là các thị trường trọng điểm của hàng Việt.
Hiện nay, UAE là nền kinh tế lớn thứ hai ở Trung Đông, là trung tâm thương mại và tài chính của khu vực. Quốc gia này cũng là nơi trung chuyển hàng hóa và trung tâm tái xuất hàng hóa lớn thứ ba thế giới. Nền kinh tế này có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng với kim ngạch năm 2017 đạt 265 tỷ USD.
Tăng cường tiếp cận thị trường thực phẩm Halal
Mặc dù thị trường Halal toàn cầu rất tiềm năng song sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal đến nay còn hạn chế, do gặp khó khăn trong việc cấp chứng nhận Halal và thiếu thông tin về thị trường, văn hóa kinh doanh, tiêu dùng để tham gia sâu vào thị trường Halal, nhất là tại các quốc gia Hồi giáo.
Nhận thức tầm quan trọng về vấn đề này, thời gian qua, được sự đồng ý Chính phủ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ký bản ghi nhớ hợp tác sửa đổi bổ sung với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng UAE (Emirates Authority for Standardization and Metrology – ESMA), trong đó có bổ sung nội dung về yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn Halal.
Theo ông Trần Văn Vinh- Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng UAE là khung khổ pháp lý quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường thực phẩm Halal toàn cầu nói chung, cũng như thị trường UAE và Vùng Vịnh nói riêng.
Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh mong đội ngũ chuyên gia của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hai nước phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai bản ghi nhớ, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên hợp tác kinh doanh hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của người dân mỗi nước.
Việt Nam hiện đang tích cực hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, trong đó có thị trường Halal giàu tiềm năng. Các cơ quan liên quan đang tích cực hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển mới, cùng thúc đẩy xây dựng các chính sách, chiến lược về ngành Halal Việt Nam, mở rộng ra nhiều lĩnh vực từ thực phẩm đến mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch, dịch vụ…, để doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Theo Đại sứ quán UAE tại Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Halal tại các nước trên thế giới, nhất là tại các trung tâm lớn về thực phẩm Halal, vì thực phẩm Halal chính là cầu nối giữa các nền văn hóa.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường các thông tin về xu thế của thị trường, tập quán tiêu dùng, ẩm thực, văn hóa của người Hồi giáo nhằm góp phần quan trọng giúp mở rộng giao lưu nhân dân giữa Việt Nam với các nước Hồi giáo và thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển du lịch từ các nước Hồi giáo sang Việt Nam…
Lê Kim Liên