Hợp tác thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Mười 13, 2020 | 8:59 - Lượt xem: 844

Sự hợp tác giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã mở ra cơ hội ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp.

Lễ ký kết nằm trong khuôn khổ hội nghị “Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dựa trên nền tảng đổi mới KHCN và cải cách quy định hành chính” do Bộ KH&CN phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đồng tổ chức diễn ra mới đây.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký kết hợp tác. 

Trong quá trình triển khai hợp tác, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ giới thiệu các công nghệ mới, các quy trình sản xuất, mô hình kinh doanh mới… cũng như cử chuyên gia tư vấn, tổ chức các khoa học để nâng cao năng suất và chất lượng cho doanh nghiệp của mình.

Đại diện các bên đã cùng trao đổi về chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cải tiến năng suất đạt trình độ quốc tế và chẩn đoán tình trạng doanh nghiệp để triển khai giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện, nâng cao năng lực, hướng tới chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Cụ thể hơn, các bên cùng xây dựng chương trình đào tạo cho cán bộ tại doanh nghiệp về kỹ năng mềm, các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý chất lượng; đào tạo chuyển đổi số, sản xuất thông minh; đào tạo theo chuẩn quốc tế… Dự kiến, các khóa đào tạo sẽ được tổ chức theo hình thức coaching, lý thuyết kết hợp tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để doanh nghiệp xác định vị trí của mình trong quá trình chuyển đổi số, khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh và mức độ sẵn sàng cho sản xuất thông minh, các bên sẽ phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá và tiếp cận với lộ trình 4.0 dựa trên bộ công cụ ViPA – Bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng với Công nghiệp 4.0 do VNPI xây dựng và phát triển.

Đây là một mô hình để đánh giá sự sẵn sàng – mức độ đáp ứng của doanh nghiệp trên hành trình đến với Công nghiệp 4.0 – của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.

Mô hình được xây dựng dựa trên bốn trụ cột chính: Quản lý doanh nghiệp; Quản lý Năng suất; Nền tảng cơ sở vật chất cho chuyển đổi số; Sản xuất thông minh.

Mỗi trụ cột này được chia thành 04 nội dung sâu hơn, lần lượt được đánh giá bằng 16 chỉ số thích hợp. 16 chỉ số này tạo thành cơ sở để đo mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp với chuyển đổi số và sản xuất thông minh. Dữ liệu được sử dụng trong bộ công cụ này được thu thập thông qua cuộc khảo sát online của doanh nghiệp. Trong trường hợp Doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu hơn về các tiêu chí, chuyên gia của Viện Năng suất sẽ tiến hành đánh giá trực tiếp tại doanh nghiệp và tư vấn cho doanh nghiệp về lộ trình tiến tới chuyển đổi số và sản xuất thông minh.

Bảo Anh