Hợp tác quốc tế về TCĐLCL năm 2020: Sẵn sàng cho những trách nhiệm mới
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Một 24, 2020 | 9:01 - Lượt xem: 1089
Năm 2019 khép lại với những hoạt động đầy sôi động về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và hướng sang năm 2020 sẵn sàng với những trách nhiệm mới.
2019 – Năm của những hợp tác quan trọng
Năm 2019 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) đã tiến hành ký kết 6 thỏa thuận quốc tế với các đối tác quan trọng như Văn phòng Tiêu chuẩn, Đo lường và Thử nghiệm Séc (UNMZ), Hiệp hội kỹ sư cơ khí Hoa Kỳ (ASME), Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI), Cơ quan Tiêu chuẩn và Đo lường các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (ESMA); Cục Quản lý Tiêu chuẩn hóa của Trung Quốc (SAC), Trung tâm Năng suất Hàn Quốc (KPC).
Cùng với đó, Tổng cục cũng đã đăng cai tổ chức 6 hội nghị quốc tế và khu vực như: Hội thảo với Nhật Bản và ISO về tiêu chuẩn hóa; cuộc họp ban kỹ thuật TC 281 của ISO về công nghệ bọt khí mịn (Fine Bubble); hội thảo với Hàn Quốc về đào tạo kỹ thuật và công nghệ 4.0: Các giải pháp đổi mới nhằm tăng cường năng suất trong tương lai; cuộc họp của Nhóm công tác về tiêu chuẩn (WG1) thuộc ASEAN/ACCSQ; cuộc họp lần thứ 6 của Nhóm chuyên gia Đo lường ASEAN (ASEAN EGM) và hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Đo lường pháp định Châu Á – Thái Bình Dương (APLMF).
Trong năm 2019, Việt Nam là điểm đến của nguyên Tổng thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) Tiến sĩ Santhi Kanoktanaporn trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ và cũng là điểm đến chính thức đầu tiên của Tiến sĩ Achmad Kurnia Prawira Mochtan, tân Tổng Thư ký APO trong số 20 thành viên của APO. Tân Tổng Thư ký đã tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bộ KH&CN và làm việc với Lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước và Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan.
Hai nhà lãnh đạo APO đều đánh giá cao vai trò tích cực và chủ động của Việt Nam trong việc đề xuất và triển khai các hoạt động, dự án với APO đặc biệt là các dự án quan trọng như Kế hoạch tổng thể về năng suất hướng đến phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; đề xuất xây dựng tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất của APO, đề xuất nghiên cứu xây dựng khung hệ sinh thái về sản xuất thông minh cho các nền kinh tế thành viên APO.
Năm hoạch định những chiến lược tương lai
Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030
Chủ đề của tuần lễ ISO năm 2019 tại Nam Phi là “Trên con đường tới 2030”. Bốn xu hướng hiện nay đang ảnh hưởng lớn đến chiến lược tương lai của ISO gồm tính bấp bênh không dự đoán trước của thương mại, mong đợi của xã hội thay đổi, nhu cầu cấp bách của phát triển bền vững và chuyển đối số. Những xu hướng này đang tác động mạnh mẽ đến việc hoạch định chính sách về tiêu chuẩn hóa trong giai đoạn 10 năm tới.
Ủy ban các vấn đề của các nước đang phát triển (DEVCO) đã họp phiên thứ 53 bên lề hội nghị toàn thể của ISO tại Nam Phi và thảo luận về những vấn đề về tiêu chuẩn hóa của các nước đang phát triển như rà soát và đánh giá việc thực hiện kế hoạch hành động của ISO dành cho các nước đang phát triển giai đoạn 2016-2020, thảo luận về những thách thức với các nước đang phát triển, đóng góp ý kiến của các nước đang phát triển để xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa giai đoạn 10 năm tới, các xu thế tương lai về đánh giá sự phù hợp, làm thế nào để tăng cường sự tham gia của các nước đang phát triển trong hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế thông qua các chương trình kèm cặp của ISO; những mối quan tâm của các nước đang phát triển đối với hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng cục đã tham gia phiên họp Đại hội đồng và các phiên thảo luận chi tiết và đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa đến năm 2030.
Xây dựng tầm nhìn và chiến lược mới đến năm 2025 của APO
Nhu cầu cải tổ APO là hiện hữu. APO sẽ không chỉ là một tổ chức thực hiện các dự án về năng suất hỗ trợ cho các thành viên mà định hướng trong tương lai trở thành một tổ chức tư vấn cho Chính phủ của các thành viên trong lĩnh vực năng suất, thúc đẩy năng suất quốc gia dựa trên đổi mới sáng tạo. Để làm được như vậy, APO cần quy tụ được các nhà kinh tế, các nhà tư vấn chính sách hàng đầu trên thế giới và sẽ tập trung hỗ trợ các thành viên theo nhu cầu thực tế hơn là dàn trải với nhiều dự án. Trên cơ sở đó, APO đã thành lập Ủy ban chỉ đạo và nhóm chuyên gia kỹ thuật xây dựng tầm nhìn và chiến lược mới đến năm 2025. Lãnh đạo Tổng cục vinh dự là đại diện duy nhất được APO tham gia mời tham gia trực tiếp vào cả Ủy ban chỉ đạo và nhóm chuyên gia kỹ thuật trên để cùng với các chuyên gia tư vấn quốc tế về năng suất và kinh tế xây dựng tầm nhìn và chiến lược trên cho APO.
Những cách tiếp cận mới
Cách tiếp cận về sản xuất thông minh
Trong năm qua, Tổng cục kết nối và đẩy mạnh hợp tác với các nền kinh tế thành viên và triển khai được nhiều hoạt động thực tế như đánh giá sản xuất thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam với các công ty TUV SUD, IGI-Hàn Quốc, Trung tâm Năng suất của Đài Loan (CPC) .
Sáng kiến về sản xuất thông minh được ghi nhận trở thành một trong các sáng kiến của năm Chủ tịch ASEAN năm 2020, mở ra hướng hợp tác mới giữa ASEAN và APO hướng đến tăng cường năng suất cho khu vực. Hiện nay, 8 nước thành viên của ASEAN cũng là thành viên của APO nên đây là điểm thuận lợi để triển khai sáng kiến, tạo sức lan tỏa trong toàn khu vực. Với sáng kiến này, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối cho hợp tác giữa hai khu vực về sản xuất thông minh, góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 theo tinh thần của Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cách tiếp cận về chuyển đổi nông nghiệp thông minh
Công nghệ thông tin hiện đang được ứng dụng mạnh mẽ và mang lại sự biến đổi lớn trong các lĩnh vực sang hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn. Trong đó, nông nghiệp thông minh sử dụng các kỹ thuật, khoa học công nghệ mới, tiên tiến trong hệ thống nông nghiệp-thực phẩm nhằm thúc đẩy tăng năng suất bền vững thông qua việc cho phép người nông dân và các chủ thể sản xuất khác đưa ra các quyết định dựa trên các cơ sở khoa học, thông tin đầy đủ và phù hợp.
Nắm bắt được xu hướng đó, Tổng cục hiện tại đang phối hợp chặt chẽ với APO và các chuyên gia đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tài liệu hướng dẫn về cách tiếp cận, các tiêu chí đánh giá mức độ sẵn sàng, các định hướng và tư vấn chính sách chuyển đổi nông nghiệp thông minh cho các nền kinh tế thành viên.
Sẵn sàng cho những trách nhiệm mới
Không chỉ đóng vai trò tham gia, năm 2019, Tổng cục đã đảm nhận trách nhiệm là Phó Chủ tịch của APO, Phó Chủ tịch của ACCSQ, Phó Chủ tịch WG1, Phó Chủ tịch WG2, Đồng Chủ tịch Đối thoại ACCSQ-Mỹ về Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp, Đồng Chủ tịch Tiểu ban TBT Hiệp định VKFTA. Do vậy, ngay từ giai đoạn này, Tổng cục đã cùng với các lãnh đạo cấp cao của các tổ chức bàn bạc, thảo luận và thống nhất các vấn đề quan trọng của tổ chức, đặt mục tiêu cho năm 2020 và tương lai xa hơn nữa.
Năm 2020, từ vị trí vai trò Phó Chủ tịch, Tổng cục sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch của các tổ chức, các nhóm công tác. Đây sẽ là một năm đầy thách thức bởi với vai trò này, cùng với các thành viên, Tổng cục sẽ góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy các sáng kiến mới, các chương trình hành động và chương trình nghị sự của các Tổ chức, các nhóm công tác chuyên ngành của khu vực.
Vũ Tú Quyên