Hợp tác, hỗ trợ và phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Thứ Sáu, Tháng Bảy 5, 2024 | 19:53
Chiều ngày 5/7, Viện Đo lường Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2, 3 tổ chức hội thảo hợp tác, hỗ trợ và phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Tham dự hội thảo có Quyền Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TCĐLCLQG) Hà Minh Hiệp cùng đại diện các đơn vị thuộc Uỷ ban.
Trao đổi tại hội thảo, Quyền Chủ tịch Uỷ ban TCĐLCLQG Hà Minh Hiệp cho hay, hiện nay hoạt động hợp tác, hỗ trợ phối hợp cùng nhau phát triển trong nội bộ các đơn vị thuộc Uỷ ban là rất cần thiết.
“Hợp tác hỗ trợ để hài lòng khách hàng là rất quan trọng, để hợp tác tốt chúng ta phải thấu hiểu lẫn nhau, đặt lợi ích chung lên đầu và hình thành tư duy cùng đoàn kết hợp tác. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị cần hợp tác để tạo ra lợi nhuận, góp ý điều chỉnh dịch vụ, quảng bá cho nhau trên tinh thần cầu thị”, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh.
Quyền Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Hà Minh Hiệp.
Ông đưa ra một vài vấn đề cần chú trọng trong thời gian tới tại Ủy ban đó là phải giữ gìn uy tín cho nhau, khi hợp tác để tạo dựng uy tín và niềm tin với khách hàng. Cùng với đó, cần gắn kết hoạt động marketing với chuyên môn; Giá trị thực sự là chất lượng để tạo niềm tin và sự minh bạch; Trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động TĐC đối với các tập đoàn trong nước và quốc tế;
Trách nhiệm thủ trưởng của các đơn vị trong việc kiểm soát hoạt động dịch vụ; Mục tiêu phải tập trung vào khách hàng bền vững, khách hàng tiềm năng; Tạo ra hệ sinh thái dịch vụ sạch, lành mạnh, bền vững.
Ông cũng mong muốn Ủy ban có thể thường xuyên tổ chức các hội nghị để trao đổi về hoạt động dịch vụ trong các đơn vị của Ủy ban.
Ông Kim Đức Thụ – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1.
Tại hội thảo, ông Kim Đức Thụ – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 chia sẻ công tác phối hợp giữa các đơn vị thời gian qua. Nhìn chung, việc phối hợp liên kết giữa các đơn vị đã thay đổi theo hướng tích cực, xây dựng, hài hòa lợi ích của các bên các đơn vị, phòng ban, viên chức/ người lao động đã thay đổi cách tiếp cận trong công tác phối hợp, việc chia sẻ, thống nhất đã diễn ra thường xuyên, kịp thời hơn.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, các bên phối hợp chưa có nhiều thời gian để trao đổi, rút kinh nghiệm, cũng như bổ sung, chỉnh sửa các nội dung trong quá trình thực hiện phối hợp. Một số nội dung phối hợp chưa được cụ thể hóa bằng công việc thực tế (VD: như các gói thầu lớn liên danh giữa các bên vẫn chưa có kết quả cụ thể), dẫn tới việc phối hợp mang tính thời điểm, không giải quyết được hết nhưng vướng mắc, kế hoạch không rõ ràng. Việc chia sẻ thông tin thực hiện các dịch vụ còn hạn chế, do đó việc triển khai các dịch vụ của các đơn vị còn chưa được như kỳ vọng.
Các đại biểu chủ trì phiên thảo luận.
Ông Thụ cũng đề xuất một số giải pháp như: Lãnh đạo các đơn vị /phòng ban tích cực phổ biến để cán bộ, người lao động nghiêm túc thực hiện các nội dung đã thống nhất trong chương trình hợp tác, đề cao tính xây dựng, hỗ trợ vì lợi ích chung của Ủy Ban, cũng như tối ưu hóa giá trị mang lại cho khách hàng. Nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc nâng cao chất lượng nhân sự, đẩy mạnh công tác đào tạo lẫn nhau, hướng tới sự hài hòa về quan điểm kỹ thuật, năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo sát, thăm dò thị trường, chú trọng vào các lĩnh vực mới. Xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể để tăng doanh thu, mở rộng năng lực và phạm vi; Chia sẻ thông tin làm căn cứ triển khai, sử dụng dịch vụ/ PTN lẫn nhau trong việc cung cấp dịch vụ, phát huy tối đa năng lực hiện có của tập thể STAMEQ.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã có phần trao đổi thảo luận, đóng góp ý kiến, giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu tham dự.
Hà My