Hơn 1.200 trẻ em và thanh thiếu niên tử vong mỗi năm ở châu Âu do ô nhiễm không khí
Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng TưTháng Tư 25, 2023 | 11:21 - Lượt xem: 937
Cơ quan Môi trường của Liên minh châu Âu (EEA) thống kê, ô nhiễm không khí gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở người dưới 18 tuổi trên toàn châu Âu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có đến 2 triệu trẻ em tử vong vì bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp, trong đó 60% là do ô nhiễm không khí. Không khí ô nhiễm đang là mối nguy hại toàn cầu bởi ảnh hưởng nghiêm trọng gây ra cho sức khỏe con người. Trong đó trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất do cơ thể đang trong giai đoạn phát triển, tăng trưởng và hoàn toàn thụ động trước những tác hại môi trường do người lớn gây ra.
Mới đây Cơ quan Môi trường của Liên minh châu Âu (EEA) cũng cho biết, ô nhiễm không khí vẫn gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở người dưới 18 tuổi trên toàn châu Âu, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính sau này trong cuộc đời.
Thông qua nghiên cứu tại hơn 30 quốc gia, trong đó có 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), EEA nêu rõ bất chấp những tiến bộ gần đây, mức độ các chất gây ô nhiễm không khí phổ biến tại nhiều quốc gia châu Âu vẫn cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đặc biệt tại khu vực Trung – Đông Âu và Italy. Cơ quan này ghi nhận hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở những người dưới 18 tuổi trên toàn châu lục. Vào tháng 11 năm ngoái, EEA cho biết 238.000 người đã tử vong sớm trong năm 2020 tại EU, Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Do phạm vi nghiên cứu mới nhất không bao gồm các quốc gia công nghiệp lớn là Nga, Anh và Ukraine nên báo cáo của EEA cho rằng tổng số ca tử vong vì ô nhiễm không khí trên toàn châu Âu có thể còn cao hơn. Đây là nghiên cứu đầu tiên của cơ quan này chú trọng tới nhóm đối tượng là trẻ em.
Báo cáo nhấn mạnh mặc dù số ca tử vong sớm ở nhóm tuổi này tương đối thấp so với tổng dân số trên toàn “Lục địa Già” theo ước tính hằng năm của EEA nhưng số ca tử vong sớm phản ánh mất mát tiềm tàng trong tương lai, đồng thời tạo gánh nặng đáng kể liên quan các bệnh mãn tính ngay cả ở thời thơ ấu cũng như những giai đoạn sau đó của cuộc đời.
Báo cáo cũng lưu ý sau khi trẻ chào đời, tình trạng ô nhiễm không khí xung quanh làm tăng nguy cơ gặp một số vấn đề về sức khỏe, trong đó có hen suyễn, suy giảm chức năng phổi, mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và dị ứng. Chất lượng không khí kém cũng có thể làm trầm trọng hơn các bệnh mãn tính như hen suyễn – căn bệnh mà 9% trẻ em và thanh thiếu niên tại châu Âu mắc phải – cũng như làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính sau tuổi trưởng thành.
Cũng theo báo cáo, vào năm 2021, khoảng 90% dân cư thành thị hít thở bầu không khí không đáp ứng được khuyến nghị an toàn của WHO.
Chính vì những lý do trên, EEA kêu gọi giới chức các quốc gia tập trung cải thiện chất lượng không khí quanh các trường học, nhà trẻ cũng như các điểm giao thông vận tải lớn và cơ sở tập luyện thể dục thể thao.
Những số liệu cập nhật này tương đối trái ngược so với thông báo năm ngoái của EEA rằng EU đang trên đà đáp ứng được mục tiêu của khối đó là vào năm 2030, giảm khoảng 50% số ca tử vong sớm so với mức ghi nhận năm 2005. Cụ thể, đầu những năm 1990, bụi mịn đã khiến gần 1 triệu người tử vong sớm mỗi năm tại 27 quốc gia EU. Con số này đã giảm xuống còn 431.000 vào năm 2005.
Dù vậy, WHO nhận định tình hình tại châu Âu dường như khả quan hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Tổ chức này cho rằng ô nhiễm không khí là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, gần bằng số ca tử vong vì hút thuốc lá và ăn uống không lành mạnh. Khoảng 200.000 ca tử vong là trẻ dưới 15 tuổi.
Mãi tới tháng 9/2021, các quốc gia trên thế giới mới đạt được thỏa thuận siết chặt hạn chế đối với các chất gây ô nhiễm phổ biến kể từ năm 2005. Chỉ riêng tại Thái Lan, nơi khói bụi độc hại bao trùm khắp đất nước, giới chức y tế sở tại tuần trước cho biết 2,4 triệu người đã đến bệnh viện điều trị các vấn đề y tế liên quan đến ô nhiễm không khí kể từ đầu năm nay.
Các hạt bụi mịn, chủ yếu từ ô tô và xe tải và có thể xâm nhập sâu vào phổi, được coi là chất gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, kế đến là nitơ dioxit và ozone.
Ngoài ra, trong một báo cáo khác, WHO cũng đưa ra dự tính khoảng 3 – 5% trẻ em trên toàn thế giới sinh ra với khuyết tật bẩm sinh do ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu mới nhất về Chỉ số hiệu suất môi trường tự nhiên của Đại học Yale (Mỹ) cho thấy, Việt Nam là một trong 10 quốc gia ô nhiễm không khí nhất quốc tế. Số trường hợp mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường gia tăng mạnh.
Trước đó, điều tra và nghiên cứu của Forbes Việt Nam cũng cho thấy, chất lượng không khí ở Việt Nam rất thấp khi gam màu đỏ đậm, đỏ, vàng bao trùm khắp cả nước. Trong đó miền Bắc ô nhiễm nặng hơn miền Nam. Cũng theo báo cáo đánh giá của WHO, phần lớn trường hợp chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí là bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, tim mạch, ung thư. Trong đó ung thư phổi và phổi tắc nghẽn mạn tính là hai chứng bệnh nguy hiểm nhưng khi phát hiện ra thì bệnh đã chuyển biến nặng. Chất ô nhiễm trong không khí cũng làm tăng độc tố trong máu gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp dẫn tới các bệnh tim mạch và những hệ lụy nguy hiểm như suy tim, đột quỵ
Một nghiên cứu đã được công bố cho thấy ô nhiễm môi trường có liên quan đến sự gia tăng bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ nhỏ. Từ kết quả xét nghiệm mẫu máu của 378 trẻ nhỏ 10 tuổi, các nhà khoa học đã phát hiện ra trẻ nhỏ sống trong khu vực không khí ô nhiễm có nồng độ insulin cao hơn hẳn so với trẻ nhỏ sống trong khu vực ít bị ô nhiễm.
Trước đây rất hiếm trường hợp trẻ 2 tuổi bị hen phế quản, nhưng nay những trường hợp này xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Bệnh viêm mũi thường chỉ có triệu chứng sổ mũi nay có thêm viêm họng và viêm thanh quản. Các bệnh đường hô hấp có dấu hiệu như quấy khóc, sổ mũi, ho, sốt, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra với những trường hợp trẻ bị suy hô hấp sẽ có triệu chứng như khó thở, nhịp thở tăng so với độ tuổi, cánh mũi thở phập phồng, co kéo cơ hô hấp, tím tái ở môi và các đầu chi.
Để hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe trẻ nhất là ô nhiễm môi trường trong nhà, cần đẩy khí bẩn ra ngoài bằng cách lắp đặt đường ống thông gió chuyên dụng và thường xuyên mở cửa thúc đẩy trao đổi không khí. Lắp đặt quạt thông gió, quạt hút mùi ở những khu vực hay tạo mùi trong nhà như bếp, vệ sinh để môi trường sống trong nhà được thông thoáng hơn. Trồng thêm các loại cây xanh trong nhà để giảm lượng khí CO2.
Đối với môi trường ngoài nhà, chuẩn bị khẩu trang hoặc mặt nạ chống độc cho trẻ khi đưa trẻ ra ngoài trời. Nếu có việc cần phải đưa trẻ ra ngoài thì nên đi vào buổi sáng sớm vì đây là lúc không khí ít bị ô nhiễm nhất. Tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch bằng việc cho trẻ uống nhiều nước và các loại nước ép trái cây, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục thường xuyên. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu liên quan đến các bệnh hen suyễn, bệnh về đường hô hấp, nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nhi ở các cơ sở khám chữa bệnh uy tín.
Theo VietQ