Những tồn tại, bất cập và kiến nghị về tổ chức và hoạt động của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Bảy 9, 2024 | 20:38 - Lượt xem: 419
Vào chiều ngày 9 tháng 7 năm 2024 tại trụ sở Văn phòng Quốc hội số 22 đường Hùng Vương, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia – những tồn tại, bất cập và kiến nghị”, nhằm phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT).
Chủ trì Hội thảo này là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy. Cùng dự và chủ trì có: Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn; Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ KH&CN TS. Hà Minh Hiệp.
Các đại biểu tham dự gồm có đại diện Trưởng ban, thành viên Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, một số đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia và các nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Luật TC&QCKT được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến TC&QCKT.
Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.
Qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành, Luật TC&QCKT đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và số lượng, phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội bền vững đòi hỏi Luật TC&QCKT phải đổi mới một số chính sách.
“Trong đó, đổi mới về tổ chức, hoạt động của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và nhân lực hoạt động trong hoạt động TC&QCKT là yếu tố quan trọng, mang tính động lực thúc đẩy cho hiện thực hóa các nhiệm vụ nêu trên” – Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, hiện có hơn 145 Ban Kỹ thuật, 54 tiểu Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia với 1.780 lượt chuyên gia tham gia xây dựng TCVN trong 83 lĩnh vực và tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực, đóng góp một phần không nhỏ vào hoạt động phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam hiện là thành viên chính thức của 25 Ban kỹ thuật và tiểu Ban kỹ thuật quốc tế ISO và IEC, tham gia với tư cách thành viên quan sát đối với 73 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO. Các thành viên Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tham gia góp ý hơn 4.600 dự thảo tiêu chuẩn quốc tế ISO (Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế), IEC (Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế) từ năm 2012 đến tháng 6/2024 (trong đó, 2.927 dự thảo của ISO và 1.712 dự thảo của IEC) và góp ý nhiều tiêu chuẩn, tài liệu của Ủy ban An toàn thực phẩm quốc tế (CODEX) … góp phần nâng cao tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong các diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế và các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn.
Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia được quy định tại Điều 16 luật hiện hành với 3 khoản, trong đó quy định cụ thể về khái niệm, thành viên, nhiệm vụ. Tuy nhiên, do Luật TC&QCKT chưa quy định đầy đủ, dẫn đến tổ chức và hoạt động Ban Kỹ thuật chưa phát huy hết tiềm năng, nguồn kinh phí phục vụ hoạt động cũng như nâng cao năng lực ban kỹ thuật rất hạn hẹp, chưa có chính sách tôn vinh, khen thưởng thành viên Ban Kỹ thuật có thành tựu nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) vào hoạt động tiêu chuẩn hóa. Chính sách, cơ chế thu hút các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia Ban Kỹ thuật chưa đủ hấp dẫn.
Đồng chủ trì và điều hành tại Hội thảo, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị các đại biểu đại diện Ban Kỹ thuật và tiểu Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, hội, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn tập trung thảo luận 04 nhóm vấn đề chính:
- Vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, tổ chức hoạt động của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia quy định trong luật hiện hành (Điều 16).
- Nguyên tắc, mô hình của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế và các quy định của ISO đối với các thành viên.
- Nguồn kinh phí hoạt động Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.
- Nâng cao năng lực cho thành viên Ban Kỹ thuật.
Hội thảo đã nhận được 24 ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự xoay quanh bốn nhóm vấn đề nêu trên. Các ý kiến được đánh giá là rất cụ thể và tập trung về việc thống nhất một đầu mối quản lý và vận hành các Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia theo đúng thông lệ quốc tế; vai trò của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia là vô cùng cần thiết để duy trì tính đồng thuận, khách quan, nhất quán và phù hợp của hệ thống TC&QCKT của Việt Nam. Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực, khuyến khích và tạo điều kiện cho các chuyên gia tham gia quốc tế để tối đa hóa đóng góp của các Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cảm ơn các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo. Đồng thời, đề nghị cơ quan chuyên môn có liên quan của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ KH&CN tiếp thu đầy đủ nội dung góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT nói chung cũng như các quy định về Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia nói riêng.
Các nội dung tham luận tại hội thảo: – Nguyên tắc, quy trình, thủ tục, trách nhiệm và quyền hạn của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia (TS Nguyễn Quyết Thắng) – Hoạt động tư vấn kỹ thuật của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia trong việc xây dựng TCVN, TCQT, TCNN (Ths Đặng Viết Khoa) – Vai trò của chuyên gia Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia trong hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn lĩnh vực quốc phòng (Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chương) – Nguyên tắc, mô hình của Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế và các quy định của ISO đối với các thành viên. Những khó khăn và giải pháp trong việc đề cử chuyên gia Việt Nam tham gia Ban Kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn quốc tế (PGS.TS Phan Trung Nghĩa) – Mô hình hoạt động Ban Kỹ thuật của cơ quan Tiêu chuẩn hóa Trung Quốc (Ths. Lê Thành Hưng) – Cơ cấu tổ chức hoạt động, vận hành Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, so sánh với hướng dẫn, yêu cầu của ISO (PGS.TS Phạm Văn Hùng) – Thực trạng và nguồn kinh phí hoạt động Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia (GS.TS Đinh Văn Chiến) – Hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho thành viên Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia (PGS, TS Nguyễn Phan Thiết) – Bất cập, khó khăn và các giải pháp cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào hoạt động Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia nhằm đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và các Hiệp định FTA thế hệ mới (ThS Nguyễn Hồng Uy, Eurocharm) |