Hội thảo đào tạo kỹ thuật và cách mạng công nghiệp 4.0: Các giải pháp đổi mới nhằm tăng cường năng suất trong tương lai

Thứ Sáu, Tháng Năm 10, 2019 | 14:42

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ và sẽ đem lại đến những thay đổi mang tính đột phá trên mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh xã hội. Việt Nam đang nỗ lực hướng tới tăng trưởng bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng và tranh thủ thời cơ của CMCN 4.0 nhằm tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh. Để đạt được điều đó, các doanh nghiệp và đơn vị giáo dục đào tạo cần phải đổi mới để đáp ứng những xu thế mới cũng như tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại.

Xuất phát từ nhu cầu đó, Tổng cục TCĐLCL phối hợp với Trung tâm Năng suất quốc gia Hàn Quốc tổ chức Hội thảo về “Đào tạo kỹ thuật và công nghệ 4.0: Các giải pháp đổi mới nhằm tăng cường năng suất trong tương lai’.

Tham dự hội thảo, bên phía Việt Nam có ông Hà Minh Hiệp- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ TCĐLCL.

Bên phía Hàn Quốc có ông Noh Kyoo Sung – Chủ tịch và Giám đốc điều hành KPC, ông Yang Seok Won- Giám đốc của SWM Co.Ltd, ông Song Sung Ku, Đối tác quản lý Thung lũng Silicon Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số với sự thay đổi của thị trường công nghiệp sang thị trường số và sản xuất thông minh. Dù muốn hay không thì cuộc cách mạng 4.0 vẫn đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến hầu hết các lĩnh vực cũng như các ngành nghề tại mỗi quốc gia. Theo đó, đổi mới là điều kiện bắt buộc và đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với doanh nghiệp, các trường đại học và các tổ chức đào tạo nhằm tận dụng cơ hội do cách mạng 4.0 mang lại, đồng thời tăng cường năng suất và tính cạnh tranh, bắt kịp với các xu hướng mới của thế giới. Bà tin tưởng rằng Hội thảo sẽ là cơ hội tốt để có thể trao đổi kiến thức, mở rộng và xác định các hoạt động hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực như I 4.0 và sản xuất thông minh cũng như tìm ra các giải pháp đổi mới phù hợp nhằm tăng cường năng suất trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ TCĐLCL phát biểu khai mạc

Trên tinh thần đó, hội thảo nhằm mục đích giới thiệu các yếu tố chính và các xu hướng mới trong cách mạng 4.0 và đào tạo kỹ thuật; giới thiệu về sản xuất thông minh và các cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này; chia sẻ các thực hành tốt các chương trình và chiến lược đổi mới trong đào tạo kỹ thuật của Hàn Quốc và hỗ trợ xây dựng chính sách và chiến lược liên quan thông qua việc so sánh kinh nghiệm giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Trong bài trình bày về sự khởi đầu của đổi mới năng suất, ông Noh Kyoo Sung- Chủ tịch và Giám đốc điều hành KPC chia sẻ với xu thế hiện nay của cách mạng 4.0 chính là cách mạng công nghiệp và trí tuệ. Ông đưa ra vai trò của đổi mới và cải thiện cách mạng sẽ mang đến thay đổi hệ thống Chính phủ, xu thế phát triển công nghệ và phát triển chất lượng cuộc sống của toàn quốc gia và thế giới. Bên cạnh đó, năng suất và cách mạng công nghiệp rất quan trọng khi đóng vai trò công cụ sản xuất chính. Cách mạng 4.0 được công bố từ năm 2017, Hàn Quốc đã theo hướng phát triển đó và trở thành quốc gia khá mạnh trong Châu Á.

Ông Noh Kyoo Sung- Chủ tịch và Giám đốc điều hành KPC

Cũng trong Hội thảo ông Hà Minh Hiệp- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL đã có những chia sẻ về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất thông minh. Với tính năng kết nối, tính ưu hóa, minh bạch, chủ động và linh hoạt là những đặc điểm chính của sản xuất thông minh, doanh nghiệp có thể áp dụng vào quá trình sản xuất từ đó đem lại những lợi ích đáng kể như : cải thiện năng suất, tạo ra các sản phẩm mới và chất lượng cao hơn, tạo ra lực lượng lao động am hiểu về công nghệ, sử dụng tối ưu hóa hiệu quả năng lực  làm việc và mở rộng không gian sản xuất. Ông cũng đề cập đến nền tảng cốt lõi của sản xuất thông minh chính là hệ thống thực ảo, hệ thống này tối ưu hóa quá trình trao đổi thông tin cần thiết để sản xuất, đồng thời kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất dựa trên nền tảng IoT. Tiêu chuẩn đóng vai là nền tảng kết nối sản xuất thông minh, khi áp dụng được những tiêu chuẩn như: tiêu chuẩn vòng đời sản phẩm, tiêu chuẩn vòng đời hệ thống sản xuất, tiêu chuẩn về dữ liệu trong sản xuất thông minh tạo nên cơ hội tiếp cận sản xuất thông minh trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Ông Hà Minh Hiệp- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL khẳng định nền tảng cốt lõi của sản xuất thông minh chính là hệ thống thực ảo

Phó Tổng cục trưởng khẳng định rằng trong hai năm ( 2019, 2020) với sự hỗ trợ của Tổ chức năng suất châu Á, Tổng cục TCĐLCL sẽ tập trung nghiên cứu và đề xuất một số cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động sản xuất thông minh, báo cáo với Bộ trưởng Bộ KHCN xem xét. Cùng với đó sẽ thúc đẩy hợp tác với Tổ chức năng suất châu Á tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo chuyên môn cho các nhà quản lý, doanh nghiệp tiếp cận kiến thức về sản xuất thông minh. Phát triển đội ngũ chuyên gia quản lý chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống sản xuất thông minh xây dựng và triển khai hệ thống chứng nhận doanh nghiệp sản xuất thông minh tại Việt Nam và đặt mục tiêu xây dựng 01 Trung tâm xuất sắc về sản xuất thông minh đầu tiên tại Việt Nam

Tiếp theo đó, bên phía đoàn KPC đã đưa ra những bài trình bày về sự chuyển đổi công nghệ ở các xe tự động, và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Nhìn tổng quan Việt Nam trở thành một “công xưởng lớn” của thế giới, là một “điểm tựa” cho nhiều tập đoàn lớn cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, công nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, thiếu sản xuất hiện đại, quy mô lớn, kỹ năng làm việc còn yếu số lượng sản phẩm được tạo ra còn thấp. Mặc dù có cải thiện nhưng khoảng cách mức năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước vẫn còn rất lớn. Chính vì thế, cần có những giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Trương Vân