Hội thảo chuyên môn tháng 8 – Chuyên đề 7: Chuyển đổi số hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng năm 2024

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Tám 23, 2024 | 6:16 - Lượt xem: 238

Ngày 23/8, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức hội thảo chuyên môn tháng 8 – Chuyên đề 7 với nội dung: Chuyển đổi số hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng năm 2024.

Tham dự có Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đại diện các đơn vị trực thuộc Ủy ban tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng, Tổ trưởng Tổ công tác Chuyển đổi số Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, hội thảo sẽ tập trung vào các nội dung về phiên bản đầu tiên của iSTAMEQ trong đó Bản đồ số hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng (iSTAMEQ map) là 1 trong 5 cấu phần, cùng với đó là giới thiệu sử dụng chat GPT.

Liên quan đến nền tảng Bản đồ số, hiện nay có 5 nội dung đã tiếp cận và triển khai bao gồm tin tức; Map; cập nhật tiêu chuẩn cơ sở; kết nối với TCVN, QC, TBT, MSMV (mở API); công bố dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan.

Cũng theo ông Cường, có sự đổi mới trong phần tin tức trên nền tảng Bản đồ số, ngoài nội dung về chuyển đổi số, cũng đã được triển khai với nội dung thanh kiểm tra về doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua gặp rất nhiều những khó khăn về nhập dữ liệu, tuy nhiên, đến nay các dữ liệu của hợp chuẩn hợp quy, dữ liệu của đo lường đã được đồng bộ hóa. Và cũng khuyến khích các doanh nghiệp cập nhật các dữ liệu cơ sở, tiêu chuẩn cơ sở để dễ dàng hơn trong việc quản lý.

Ngoài ra, kết nối về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, về hàng rào kỹ thuật thương mại, về mã số mã vạch… nền tảng đã được mở cổng và kết nối dữ liệu.

Ông Cường nhấn mạnh, việc có những yêu cầu sâu hơn về dữ liệu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà chưa được công bố thì cần có quy trình và phạm vi phải thực hiện theo quy định của ISO 27000, để có quy định và trách nhiệm rõ ràng khi truy cập.

Cùng với đó, hướng đến công bố dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công khai minh bạch.

Ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng, Tổ trưởng Tổ công tác Chuyển đổi số Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

Chia sẻ về bản đồ số tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại hội thảo, ông Ngô Mạnh Hà – Tổ phó Tổ công tác Chuyển đổi số của Ủy ban cho biết, Bản đồ số hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng kết hợp sử dụng nền tảng bản đồ của Google và dữ liệu trong hệ thống các tổ chức, đơn vị hoạt động trong ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng;

Bên cạnh đó, bản đồ số gợi ý cho người dân, doanh nghiệp có thể truy cập, tra cứu, tìm kiếm thông tin, chỉ dẫn tới các tổ chức thực hiện các dịch vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trực tuyến;

Uy tín, tiện lợi với nhiều lợi ích gia tăng cho người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp sử dụng Bản đồ số trên các thiết bị điện tử thông minh như máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng và các loại điện thoại di động thông minh tại địa chỉ http://map.tcvn.gov.vn.

Bản đồ số tiêu chuẩn đo lường chất lượng với các chức năng chính là tin tức, khai báo và công bố tiêu chuẩn cơ sở, Bản đồ số; Kết nối và chia sẻ dữ liệu; Trao đổi và tương tác.

Ông Ngô Mạnh Hà – Tổ phó Tổ công tác Chuyển đổi số của Ủy ban TCĐLCLQG.

Trong khuôn khổ hội thảo chuyên môn, ông Hà cũng đã chia sẻ về trí tuệ nhân tạo (AI) và ứng dụng của AI. Theo ông Hà, AI là công nghệ dẫn đầu trong cuộc đua số, thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu đạt giá trị 196,63 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lên tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 37.3% trong giai đoạn 2023-2030.

AI có hai góc nhìn cơ bản là lý thuyết và thực tiễn. Việc thấu hiểu những điểm chung và khác biệt giữa nghiên cứu AI trong học thuật và phát triển ứng dụng AI trong doanh nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc kết hợp hiệu quả giữa hai môi trường học thuật và doanh nghiệp, tối ưu năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.

Hiện nay, AI đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, AI được ứng dụng trong mọi hoạt động vận hành của doanh nghiệp như Marketing và bán hàng, chăm sóc khách hàng, quản lý rủi ro, hành chính, đào tạo nhân lực, công nghệ thông tin.

Hay AI trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng như hỗ trợ khiếu nại, phản hồi, báo cáo lỗi; dịch vụ khách hàng, hỗ trợ nội bộ, tra cứu, nhắc lịch thanh toán, bán hàng, giao dịch bằng giọng nói…; Hay trong lĩnh vực bảo hiểm, AI có thể nhận dạng thông tin khách hàng được tích hợp trên ứng dụng dành cho đại lý, tích hợp trên ứng dụng điện thoại với khả năng xử lý các loại giấy tờ, chữ viết tay và chữ viết máy, xác định chữ ký tay…

Để có cái nhìn cụ thể hơn về AI, ông Hà đã đưa ra triển khai ứng dụng phần mềm Chatbot GenAI

Với đặc điểm kỹ thuật như hiểu câu hỏi bằng ngôn ngữ tự nhiên; Tìm kiếm kiến thức nhanh trên vector DB; Sử dụng mô hình ngôn ngữ phù hợp với mục tiêu; Dữ liệu lưu trữ riêng; Đáp ứng nhiều cách thức tổ chức dữ liệu khác nhau; Trả lời bằng ngôn ngữ tự nhiên, dễ hiểu; Có khả năng tích hợp vào nhiều ứng dụng khác nhau.

Chatbot GenAI là một phần quan trọng của công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện đại, cung cấp khả năng giao tiếp tự nhiên và thông minh với người dùng, giúp cải thiện nhiều khía cạnh của dịch vụ và tương tác trực tuyến.

Các đại biểu tham dự trao đổi thảo luận những khó khăn, vướng mắc tại hội thảo.

Hà My