Hội nhập quốc tế về TCĐLCL: Biến thách thức thành cơ hội!
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Chủ Nhật, Tháng Hai 14, 2021 | 7:28 - Lượt xem: 1233
Đánh dấu bước ngoặt lớn về hợp tác quốc tế, mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, năm 2020 có thể nói là “bùng nổ” khi nói về dấu ấn của hợp tác quốc tế. Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có những chia sẻ với Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) xung quanh những thành tựu trong hội nhập quốc tế về TCĐLCL năm qua.
Năm 2020, Tổng cục TCĐLCL đã thể hiện rõ vai trò lĩnh xướng, điều phối, tổ chức các sự kiện hợp tác quốc tế quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Vậy ông có đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được trong năm vừa qua?
Năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tuy nhiên hoạt động hợp tác quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, nổi bật là đã triển khai rất nhiều sáng kiến, dự án. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không làm hoạt động hợp tác quốc tế bị lu mờ, mà ngược lại chúng ta đã chuyển dịch sang hoạt động trực tuyến để giúp cho hoạt động này năm 2020 khởi sắc thực sự.
Đảm nhận trọng trách Chủ tịch kép của 2 tổ chức quan trọng trong hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam về tiêu chuẩn đo lường chất lượng là Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ), Tổng cục đã xoay chuyển tình thế, biến khó khăn, thách thức do Covid-19 gây ra thành cơ hội hợp tác trên phạm vi lớn hơn giữa APO và ASEAN. Tổng cục đã chủ trì thành công hàng loạt hội nghị quan trọng theo hình thức trực tuyến và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức các hội nghị kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp, có sự tham gia của đông đảo thành phần đại diện cho các cơ quan, tổ chức trong ASEAN và APO. Nhờ thế, các nhiệm vụ trọng tâm của hai tổ chức vẫn đạt được một cách ngoạn mục.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch APO, Việt Nam đã có những hoạt động nào để thúc đẩy hợp tác về năng suất trong khu vực trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thưa ông?
2020 là năm tương đối đặc biệt khi Việt Nam đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch của cả ASEAN và APO. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch vừa qua, Việt Nam luôn thể hiện vai trò chủ động, tích cực và dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực. Dấu ấn quan trọng nhất có thể coi là thành công của Việt Nam chính là lần đầu tiên kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa hai tổ chức trên. Đây là hai tổ chức lớn trong khu vực và có nhiều điểm tương đồng như: 8 trên 10 nước thành viên ASEAN là thành viên của APO, hai tổ chức đều có chung các mục tiêu vì sự phát triển thịnh vượng của khu vực và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), triển khai nhiều nghiên cứu liên quan, đặc biệt là có chung nỗ lực hỗ trợ các nền kinh tế thành viên khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng và cùng nằm trong khu vực châu Á, tuy nhiên từ khi APO được thành lập năm 1961 đến nay, APO và ASEAN chưa từng có hoạt động hợp tác nào. Do vậy, với vai trò là đầu mối quốc gia đại diện cho Việt Nam tham gia APO và Chủ tịch của ACCSQ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đề xuất và nhận được sự ủng hộ của Tổng thư ký ASEAN và APO.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp.
Để chuẩn bị cho việc này, ngày từ đầu năm 2020, Tổng cục đã chủ trì tổ chức hội nghị trù bị thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và APO với sự tham dự của Tổng thư ký APO, đại diện Ban thư ký ASEAN và các đại diện Việt Nam tại các Ủy ban chuyên ngành của ASEAN để xin ý kiến về nội dung hợp tác và công tác chuẩn bị. Song song với đó, Tổng cục cũng đề xuất giới thiệu APO thành đối tác của ACCSQ trong triển khai sáng kiến ASEAN về sản xuất thông minh, đối tác của ASEAN trong nghiên cứu về năng suất lao động.
Ngày 10-11/12/2020, sự kiện đã chính thức diễn ra và nhận được sự quan tâm của đông đảo các nền kinh tế thành viên hai tổ chức, đại sứ các nền kinh tế thành viên và các tổ chức quốc tế, đại diện các ban ngành liên quan tại Hà Nội. Tại sự kiện, lãnh đạo hai tổ chức đã thảo luận nhiều lĩnh vực hợp tác như đào tạo nhân lực, tư vẫn hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển công nghiệp 4.0, triển khai sáng kiến ASEAN về sản xuất thông minh, chia sẻ về tầm nhìn mới, trong đó đẩy mạnh các hoạt động phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo.
Bước sang năm 2021, giữa bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ với những thuận lợi và thách thức đan xen, ông có thể chia sẻ gì về định hướng triển khai hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng?
Định hướng trong năm 2021, trước tiên Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục thực hiện tốt vai trò là Chủ tịch của APO, Chủ tịch ACCSQ, Chủ tịch WG1 và WG2. Tiếp đó, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 phương thức triển khai hoạt động hợp tác quốc tế sẽ phải đổi mới hơn nữa, thay vì khóa đào tạo APO chỉ cử được 1 người tham gia thì chúng ta đã cử được 5 – 7 người tham gia. Như vậy, có thể thấy sức lan tỏa của hoạt động đã tốt hơn khi chúng ta chuyển sang phương thức trực tuyến.
Trong năm 2021, cần tiếp tục có những phương án để hoạt động đào tạo năng suất, các hoạt động chia sẻ thông tin trong ASEAN cũng như hoạt động chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế khác về tiêu chuẩn đo lường chất lượng được thực hiện tốt hơn.
Đặc biệt, trong năm 2021, chúng ta hướng đến kỷ niệm 60 năm thành lập Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), đây cũng là sự kiện quan trọng trong năm để làm sao lan tỏa được phong trào năng suất từ các nền kinh tế thành viên của APO đến các doanh nghiệp Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo VietQ