Hội nghị Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới

Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Một 5, 2018 | 2:48 - Lượt xem: 1639

Ngày 20/12/2017 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong – Hà Nội, Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị – Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị – Trưởng ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và đại diện các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, đồng thời phát huy vai trò tịa các diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực. Với tiến trình hội nhập này, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã luôn có những chỉ đạo kịp thời để các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đông đảo tầng lớp nhân dân nắm rõ đường lối và các giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thực thi hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều Nghị quyết của Đảng đã được ban hành làm kim chỉ nam cho tiến trình hội nhập như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 5/2/2007 về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ cùng sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thời gian qua, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, quá trình này cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: cách tiếp cận về hội nhập kinh tế ở một số nơi có lúc còn phiến diện, ngắn hạn và cục bộ, do đó chưa tận dụng được hết các cơ hội và ứng phó hữu hiệu với các thách thức. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình đổi mới trong nước, nhất là đổi mới, hoàn thiện thể chế, trước hết là luật pháp, cơ chế, chính sách chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chưa gắn kết với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam với trên 90% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã bộc lộ những điểm yếu về tư duy chiến lược, về trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh khi phải thực thi các cam kết hội nhập ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, một vấn đề rất đáng lưu ý là trong quá trình triển khai công tác hội nhập, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương còn thể hiện một số bất cập đã phần nào làm giảm hiệu quả của những chủ trương, chính sách, chương trình hành độ về hội nhập kinh tế quốc tế. Sự đổi mới trong nước chưa bắt kịp với hội nhập kinh tế quốc tế, khả năng tận dụng các cơ hội từ các FTA của các doanh nghiệp còn thấp, năng lực cạnh tranh của một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương có lúc còn nhiều bất cập, khu vực doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI chưa có sự liên kết hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn

Từ một số hạn chế nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một mặt mong muốn có nhiều ý kiến tham luận của của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế phân tích, đành giá sâu sắc về những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nêu những trăn trở, băn khoăn của các chuyên gia kinh tế, những giải pháp và sáng kiến, khuyến nghị trong trung và dài hạn để hội nhập kinh tế quốc tế thực sự là “động lực cho giai đoạn phát triển mới” đồng thời Thủ tướng có chỉ đạo tập trung vào một số vấn đề sau:

– Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn với trong tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.

– Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

– Tập trung triển khai chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình cần chú ý gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế luật pháp, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

– Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển. Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến, phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

– Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tập, khó lường, Việt Nam sẽ tập trung phát huy nội lực nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

– Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập.

Toàn cảnh buổi Diễn đàn

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn lần lượt thảo luận theo 3 phiên tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đề xuất kiến nghị các giải pháp để Việt Nam tiếp tục hội nhập thành công gồm “Tổng quan tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Hành trình vươn ra hiển lớn”; Việt Nam trước những xu thế trong kinh tế và thương mại quốc tế; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế trong hối cảnh hiện nay.

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc các phiên tọa đàm, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ tổng hợp kết quả của các phiên tọa đàm và công bố thông điệp chung của Diễn đàn. Nội dung của Thông điệp cùng kết quả các buổi thảo luận sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước sau khi Diễn đàn kết thúc./.

(Nguồn: TBTVN)