HỘI NGHỊ PHỔ BIẾN VỀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT ĐỐI VỚI NGÀNH HÀNG NÔNG SẢN, THỰC PHẨM CỦA MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU TRỌNG ĐIỂM CỦA VIỆT NAM
Thứ Sáu, Tháng Mười Một 29, 2024 | 17:06
Ngày 27/11/2024, Văn phòng TBT Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phổ biến về biện pháp kỹ thuật đối với ngành hàng nông sản, thực phẩm của một số thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Chương trình nhằm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nông sản của Việt Nam về các yêu cầu kỹ thuật đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm ở một số thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Văn phòng TBT Việt Nam và các đại biểu tại Hội nghị
Hội nghị có sự tham dự của Văn phòng SPS Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn phòng TBT Việt Nam, Trung tâm chứng nhận phù hợp (Quacert) và các đơn vị liên quan của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng Quốc gia, và đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm tại khu vực phía Bắc.
Tại Hội nghị các chuyên gia đến từ Văn phòng TBT Việt Nam, Văn phòng SPS Việt Nam và Trung tâm Chứng nhận phù hợp đã có các bài trình bày rõ ràng, sống động về quy định ghi nhãn đối với nông sản, thực phẩm của thị trường EU, các yêu cầu và quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) khi xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm của Việt Nam và các yêu cầu đối với Chứng nhận sản phẩm Halal.
Để xuất khẩu sản phẩm hàng hóa nói chung và nông sản, thực phẩm nói riêng sang thị trường EU, doanh nghiệp cần phải đáp ứng các quy định khắt khe về ghi nhãn, công bố dinh dưỡng cũng như tuyên bố dinh dưỡng và sức khỏe trên bao bì sản phẩm. Bà Tôn Nữ Thục Uyên – Phó giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam đã đưa ra những ví dụ thực tiễn liên quan tới các quy định ghi nhãn của EU đối với nông sản, thực phẩm, đồng thời hướng dẫn cách tra cứu thông tin về quy định TBT của các nước trên cơ sở dữ liệu ePing để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.
Bà Tôn Nữ Thục Uyên – Phó Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam
Trình bày tại Hội nghị, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng đã có những chia sẻ về một số giải pháp đáp ứng quy định an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Trong đó nhấn mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện quy định về SPS của thị trường xuất khẩu, chủ động đóng góp ý kiến và phản hồi thông tin về dự thảo các biện pháp SPS đang được thông báo tại WTO.
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam
Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu năm 2022 đạt 7.000 tỷ USD và dự kiến tăng lên khoảng 10.000 tỷ USD năm 2028 nhờ tăng trưởng quy mô dân số Hồi giáo, mức chi tiêu, sự đa dạng về lĩnh vực và triển vọng tăng trưởng trong tương lai với tốc độ khoảng 6-8%/năm đang nhận được sự quan tâm lớn do tiềm năng và quy mô thị trường. Tại Hội nghị, ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp Quacert đã trình bày và nhấn mạnh tầm quan trọng của Chứng nhận Halal, đây được cho là “chìa khóa” để “mở cửa” các thị trường trọng điểm và cung cấp các thông tin về Chứng nhận Halal đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Để khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn đó cần xây dựng được các định hướng phát triển ngành Halal tại Việt Nam như hoàn thiện các quy định quản lý ngành Halal, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Halal, xúc tiến thương mại sản phẩm Halal, …
Ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp
Qua các bài trình bày của chuyên gia cho thấy việc nắm bắt các quy định về TBT và SPS tại thị trường mục tiêu đối với sản phẩm Halal là cực kỳ cần thiết, giúp doanh nghiệp có bước chuẩn bị kỹ càng trước khi sản xuất và xuất khẩu./.
Diệu Linh