Hội nghị lần thứ 56 của Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Mười Một 29, 2021 | 9:47 - Lượt xem: 1278
Ngày 23-25/11/2021 đã diễn ra Hội nghị lần thứ 56 của Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (ACCSQ) và các phiên họp liên quan.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội nghị ACCSQ 55 vẫn được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị tại các điểm cầu có đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) và các Bộ chuyên ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng.
Bà Vũ Thị Tú Quyên, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục TCĐLCL tham dự Hội nghị ACCSQ 56 tại đầu cầu Tổng cục TCĐLCL
Hội nghị thảo luận để tìm hướng giải quyết cho vấn đề liên quan đến Thông tư 32/2018/TT-BYT của Bộ Y tế (Thông tư 32). Tại Hội nghị, Việt Nam đã thông báo về kế hoạch sửa đổi Thông tư 32 và cho biết dự thảo sửa đổi của Thông tư 32 sẽ được thông báo cho WTO TBT và Uỷ ban Điều phối HIệp định ATIGA (CCA) vào khoảng đầu tháng 12/2021. Việt Nam đề nghị các nước thành viên ASEAN phối hợp và gửi các ý kiến góp ý trong thời gian sớm nhất có thể để kịp thời xử lý.
Hội nghị cũng rà soát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 của ACCSQ như hoàn tất việc ký kết Hiệp định khung ASEAN về thoả thuận thừa nhận lẫn nhau (AFA MRA) và MRA ASEAN về vật liệu xây dựng (MRA BCM); ký kết Thoả thuận ASEAN về khung pháp lý đối với y dược cổ truyền và thực phẩm chức năng; rà soát, mở rộng phạm vi MRA về GMP bao gồm dược chất (API) và thuốc sinh học; ký kết Thoả thuận ASEAN về Khung pháp lý An toàn thực phẩm (AFSRF); xây dựng chương trình đào tạo và đào tạo một số chuyên gia để triển khai MRA về thực phẩm chế biến sẵn; và rà soát, cập nhật Hướng dẫn của ASEAN về hài hoà tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, Hội nghị xem xét các đề xuất nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và thảo luận về các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp trong các Hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các đối tác cũng như các chương trình hợp tác với các đối tác đối thoại như Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu (EU), PTB, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tại Hội nghị lần này, Việt Nam lần đầu tiên đưa ra đề xuất ACCSQ cần xem xét việc lồng ghép các xu hướng nổi bật của thế giới cũng như chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế, ví dụ như các vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu, môi trường… vào kế hoạch hoạt động của Uỷ ban, đặc biệt là Kế hoạch chiến lược của ACCSQ sau năm 2025. Điều này sẽ đảm bảo hoạt động của ACCSQ luôn song hành, bắt kịp các xu thế lớn và đóng góp hiệu quả hơn cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Vụ Hợp tác quốc tế