Hội nghị ACCSQ 55: Tích cực thúc đẩy tiến trình hội nhập ASEAN về TCĐLCL
Thứ Ba, Tháng Sáu 15, 2021 | 17:27
Ngày 15-17/6/2021 đã diễn ra Hội nghị lần thứ 55 của Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (ACCSQ) và các phiên họp liên quan.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội nghị ACCSQ 55 vẫn được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị tại các điểm cầu có đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) và các Bộ chuyên ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị ACCSQ 55 tại Tổng cục TCĐLCL
Hội nghị lần này chứng kiến lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ACCSQ từ Việt Nam sang Brunei Darussalam và Phó Chủ tịch ACCSQ từ Brunei Darussalam sang Campuchia. Phát biểu tại lễ chuyển giao, bà Vũ Thị Tú Quyên, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục TCĐLCL đã cảm ơn Phó Chủ tịch của Brunei Darussalam, các đồng nghiệp ACCSQ trong ASEAN cũng như tại Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN đã hỗ trợ nhiệt tình để Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ vừa qua với nhiều khó khăn và thách thức do đại dịch Covid-19.
Hội nghị tiếp tục thảo luận định hướng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 của ACCSQ như hoàn tất việc ký kết Hiệp định khung ASEAN về thoả thuận thừa nhận lẫn nhau (AFA MRA) và MRA ASEAN về vật liệu xây dựng (MRA BCM); ký kết Thoả thuận ASEAN về khung pháp lý đối với y dược cổ truyền và thực phẩm chức năng; rà soát, mở rộng phạm vi MRA về GMP bao gồm dược chất (API) và thuốc sinh học; ký kết Thoả thuận ASEAN về Khung pháp lý An toàn thực phẩm (AFSRF); xây dựng chương trình đào tạo và đào tạo một số chuyên gia để triển khai MRA về thực phẩm chế biến sẵn; và rà soát, cập nhật Hướng dẫn của ASEAN về hài hoà tiêu chuẩn. Hội nghị cũng trao đổi về Thông tư 32/2018/TT-BYT của Bộ Y tế liên quan đến hồ sơ đăng ký thuốc.
Trong ba ngày họp, các nước ASEAN sẽ thảo luận về các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp trong các Hiệp định thương mại tự do của ASEAN và trao đổi với các chương trình hợp tác với các đối tác đối thoại như ISO, EU, PTB và Hoa Kỳ.
Các thành tựu của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ACCSQ 2020 – 2021
Trong giai đoạn đầy khó khăn và thách thức bởi dịch Covid-19, các quốc gia trên thế giới đều đóng cửa biên giới, thực hiện phong toả và giãn cách xã hội, vì vậy, mọi hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có ACCSQ đều được tổ chức trực tuyến và trao đổi qua email. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ 2020 – 2021, Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ACCSQ đã chủ trì 06 hội nghị và phiên họp trực tuyến của ACCSQ bao gồm: 02 Hội nghị ACCSQ 53 và 54, 03 phiên đàm phán, thống nhất nội dung AFA MRA và 01 phiên thảo luận xác định lĩnh vực ưu tiên mới của ACCSQ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia báo cáo và thảo luận tại khoảng 20 hội nghị trực tuyến của cơ quan liên quan trong ASEAN như Hội nghị Quan chức Kinh tế Cấp cao ASEAN (SEOM), Uỷ ban Thuận lợi hoá Thương mại ASEAN (ATF-JCC) và nhiều hội nghị trong các diễn đàn khác… Trong bối cảnh phức tạp và nhiều biến động, với sự nỗ lực và hỗ trợ nhiệt tình của Ban Thư ký ASEAN cùng các đồng nghiệp ACCSQ trong và ngoài nước, Việt Nam mà cơ quan chủ trì là Tổng cục TCĐLCL, Bộ KH&CN đã thể hiện khả năng điều phối, dẫn dắt ACCSQ đạt được nhiều mục tiêu quan trọng như: – Hoàn tất ký kết MRA về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới (APMRA); – Thống nhất AFA MRA và MRA BCM sau nhiều năm đàm phán; – Thông qua chương trình hoạt động của Nhóm công tác về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp thương mại số của ACCSQ (DTSCWG); – Phê duyệt Chỉ thị của ASEAN về thiết bị y tế (AMDD); – Phối hợp với Tổ chức Năng suất châu Á (APO) để triển khai thành công Sáng kiến ASEAN 2020 về xây dựng lộ trình, giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong ASEAN. Đây là một trong 13 sáng kiến ưu tiên kinh tế ASEAN 2020 của Việt Nam do Bộ KH&CN đề xuất và chủ trì, điều phối với ACCSQ và APO để triển khai. Kết quả của sáng kiến đã được SEOM phê duyệt vào tháng 1/2021. Trong bối cảnh đại dịch, vai trò của tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp ngày càng được đề cao và đưa vào chương trình nghị sự của nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), EU. Thích ứng với tình hình mới, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế như ISO, Uỷ ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Cơ quan Tiêu chuẩn hoá châu Âu (CEN) và các cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia trên thế giới đã cung cấp miễn phí tiêu chuẩn về thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo các mục tiêu kinh doanh và phát triển bền vững, từ đó giúp chính phủ nhận thức được vai trò của tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp đối với xã hội. |
Hạnh Hoa – Vụ Hợp tác quốc tế