Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở địa phương – rào cản và những vấn đề

Thứ Bảy, Tháng Tám 28, 2010 | 8:19

Trong những năm gần đây, nền kinh tế thế giới đang diễn ra những thay đổi to lớn theo xu thế toàn cầu hoá. Đó là quá trình không thể đảo ngược, đặc biệt trong điều kiện khoa học và công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Các quốc gia có thể có các đối sách khác nhau để khắc phục và hạn chế các tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá nhưng nhất định phải tham gia vào quá trình này.

Là một nước đang phát triển nằm trong khu vực kinh tế năng động và có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, Việt Nam đã và đang có những nỗ lực vượt bậc để nhanh chóng hội nhập về kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới. Điều này càng thể hiện rõ sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN cùng với sự tham gia Khu vực Mậu dịch tự do của Khối – AFTA, trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương – APEC, ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO.

Để không ngừng đảm bảo và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế va hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới…Hoạt động TCĐLCL trở thành công cụ quan trọng, hữu hiệu và cấp bách hơn bao giờ hết…

Từ thực tiễn hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng chúng ta thấy rằng: trong thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng đã có nhiều nổ lực vô cùng to lớn trong việc tham mưu hình thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị..v.v…thành tạo tương đối đầy đủ hành lang pháp lý trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng – đây là công lao rất lớn của Tổng cục TCĐLCL và Bộ KH&CN.

Hệ thống TCVN, QCVN đã được đổi mới phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO và tiêu chuẩn quốc tế.

Hệ thống đo lường – thử nghiệm, cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được đầu tư mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ được kiện toàn theo hướng đổi mới dần dần tiến đến phù hợp thông lệ quốc tế.

Hoạt động TCĐLCL đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội trong thời gian qua góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người tiêu dùng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng trưởng kinh tế, tăng tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu, tăng giá trị “Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”.

Để phát huy hơn nữa vai trò tích cực của hoạt động TCĐLCL phục vụ ngày càng tốt hơn sự nghiệp đổi mới của đất nước, từ góc độ địa phương, một số vấn đề xin được đề xuất xem xét và quyết định, cụ thể:

Thứ nhất là hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về TCĐLCL ở địa phương chưa được thống nhất nếu không muốn nói rằng là “lộn xộn và tùy tiện”, “Trên nói, một số ít dưới không nghe – Bộ nói, một số ít Sở không nghe”…mặc dầu Tổng cục TCĐLCL và Bộ Khoa học và Công nghệ (trước đây là Bộ KHCN&MT) đã chỉ đạo nhiều lần trong suốt hơn 12 năm qua. Ngày 18/6/2008, Thông tư liên tịch số: 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV đã được ban hành, sự hoàn hảo về nội dung của Thông tư lại một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Tổng cục TCĐLCL, Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ đối với sự nghiệp TCĐLCL phục vụ phát triển kinh tế xã hội và hội nhập.

Tuy nhiên một số ít cá nhân của một số ít Sở KH&CN lại có quan điểm “Thông tư thì mặc thông tư” để  “Bẻ nạng chống Trời” đi theo định hướng tư duy cá nhân lệch ra ngoài hành lang pháp lý đã chế định theo Thông tư 05.

Thống nhất quản lý nhà nước phải được hiểu là sự thống nhất bao gồm cả hệ thống các văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của chỉnh thể cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta vẫn thường nói “Thống nhất quản lý nhà nước về TCĐLCL”, nhưng đừng bao giờ quên rằng sẽ không bao giờ có “Thống nhất quản lý nhà nước về TCĐLCL” trong một môi trường không thống nhất và một hệ thống “hỗn loạn về tổ chức bộ máy”.

Chính vì vậy cần phải có giải pháp hữu hiệu chỉ đạo nhất quán thực hiện một mô hình thống nhất cho cơ quan quản lý TCĐLCL ở địa phương theo quy định tại Thông tư liên tịch số: 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV, trong đó Trung tâm đo lường – thử nghiệm hoặc đơn vị sự nghiệp đo lường – thử nghiệm trực thuộc Chi cục TCĐLCL lộphàn toàn phù hợp.

Về cơ sở thực tiễn:

Hệ thống các Chi cục TCĐLCL địa phương trong toàn quốc đã được hình thành và phát triển đồng bộ trong suốt 24 năm qua (theo Thông tư 220 của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước) và đã phát huy tác dụng tốt phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, góp phần đảm bảo đo lường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần ngày càng lớn vào sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống xã hội, trong đó hoạt động sự nghiệp kỹ thuật về đo lường – thử nghiệm đóng vai trò quan trọng và đã thể hịên vừa là công cụ vừa là cơ sở pháp lý và khoa học phục vụ quản lý nhà nước về TCĐLCL.

Thực tiễn 24 năm qua cho thấy: hoạt động quản lý TCĐLCL ở địa phương luôn luôn gắn liền, không thể tách rời và không thể thiếu được sự phục vụ của hoạt động sự nghiệp đo lường – thử nghiệm và đã tồn tại khách quan đúng nghĩa là “Một tồn tại xã hội”, mà đã là “Tồn tại xã hội” thì không thể phủ nhận được; minh chứng cho vấn đề này trong thời gian gần đây, nếu không có hoạt động sự nghiệp đo lường – thử nghiệm thì làm sao có thể phát hiện được các vụ việc vi phạm lớn về đo lường và chất lượng như: điện kế điện tử, aceton trong xăng, mũ bảo hiểm, sữa nhiểm melamin và các gian lận đo lường trong sữ dụng cột đo nhiên liệu và taximet…v.v…Thử hỏi, nếu hoạt động sự nghiệp đo lường – thử nghiệm tách hẳn khỏi Chi cục TCĐLCL hoặc các cơ quan QLNN ngành, lĩnh vực về chất lượng thì làm sao có được số liệu và thông tin kịp thời phục vụ QLNN. Hầu như tất các các vụ việc vi phạm lớn về đo lường và chất lượng hàng hóa được phát hiện là nhờ vào số liệu và thông tin từ hoạt động sự nghiệp đo lường – thử nghiệm.

Thực tiễn trong thời gian qua, ở địa phương nào bốc tách hoạt động sự nghiệp đo lường – thử nghiệm ra khỏi Chi cục TCĐLCL thì hoạt động QLNN về TCĐLCL ở địa phương đó bị yếu hẳn và không phát huy được, bởi không có công cụ, phương tiện và cơ sở pháp lý và khoa học về số liệu phục vụ quản lý.

Về cơ sở pháp lý và khoa học:

Trước hết phải khẳng định rằng, chức năng quản lý nhà nước về TCĐLCL thuộc về UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương mà Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước; nếu chỉ dừng lại tại đây thì việc thành lập Phòng quản lý TCĐLCL và đơn vị sự nghiệp đo lường – thử nghiệm trực thuộc Sở KH&CN là vấn đề không cần phải quan tâm (trong trường hợp này Sở KH&CN là chỉnh thể trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về TCĐLCL), nhưng thực tiễn 24 năm qua cùng với sự hình thành và không ngừng phát triển của hệ thống các cơ quan TCĐLCL, Chi cục TCĐLCL đã trở thành là cơ quan quản lý nhà nước có tư cách pháp nhân riêng – chính là chỉnh thể giúp Sở KH&CN trực tiếp thực hiện chức năng QLNN về TCĐLCL, nên đòi hỏi phải có sự thống nhất đầy đủ các công cụ quản lý (trong đó có hoạt động sự nghiệp đo lường – thử nghiệm) trong một chỉnh thể đó, ví như Công an vừa sữ dụng súng bắn tốc độ vừa xử phạt; Công an, Quân đội sữ dụng vũ khí phục vụ quản lý Quốc phòng, An ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội… .

Chúng ta cũng cần phải xác định rõ về sự tồn tại cần thiết của một đơn vị sự nghiệp đo lường – thử nghiệm trực thuộc Chi cục TCĐLCL như là một đơn vị công ích để thực hiện các nhiệm vụ sự nghiệp kỹ thuật đo lường – thử nghiệm mà các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp KHCN khác không đầu tư do không lợi nhuận hoặc ít lợi nhuận…và đã là đơn vị sự nghiệp công ích thì sự tồn tại của nó là mang tính khách quan theo yêu cầu và đòi hỏi của xã hội, thứ nữa theo quan điểm phát triển và xã hội hóa thì đơn vị sự nghiệp công ích về đo lường – thử nghiệm này không là rào cản của quá trình xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ trong đó có TCĐLCL.

Còn việc lạm dụng luận điểm “Vừa đá bóng, vừa thổi còi” để áp dụng vào sự tách bóc hoạt động sự nghiệp kỹ thuật ra khỏi Chi cục TCĐLCL là hoàn toàn không chính xác, bởi lẽ “sự đúng” nói trên cũng không ngoại trừ sữ dụng đối với Sở KH&CN, nếu có một đơn vị sự nghiệp đo lường – thử nghiệm trực thuộc Sở. Nếu một đơn vị vừa sữ dụng phương tiện đo để kinh doanh vừa kiểm định phương tiện đo đó (như ngành điện, nước) mới gọi là “Vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tức là có khã năng không minh bạch xảy ra với hành động mang lại lợi ích cho chính họ khi sữ dụng quyền năng về thổi còi – tức là kiểm định để phục vụ lợi ích đá bóng – tức là kinh doanh, còn Chi cục TCĐLCL hay các cơ quan quản lý chuyên ngành về chất lượng khác là cơ quan thứ 3 đứng trung gian giữa người mua và người bán, còn việc thu phí hay lệ phí (thuộc ngân sách Nhà nước) về bản chất là phụ thu phục vụ hoạt động công ích.

Từ cơ sở thực tiễn và khoa học nêu trên, có thể khẳng định rằng: hoạt động sự nghiệp đo lường – thử nghiệm hay đơn vị sự nghiệp công ích về đo lường – thử nghiệm là bộ phận cấu thành không thể thiếu được của một chỉnh thể quản lý nhà nước như Chi cục TCĐLCL hoặc các cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành khác; nó là công cụ, phương tiện và là cơ sở để phục vụ QLNN về TCĐLCL.

Thứ hai là quyền hạn của Chi cục TCĐLCL quá yếu, không phát huy được chức năng QLNN về TCĐLCL.

Một chỉnh thể đầy đủ về QLNN cần phải có đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của QLNN; không thể tồn tại tình trạng: cơ quan không có chức năng QLNN về TCĐLCL (như Chi cục Quản lý thị trường) lại có chức năng xử lý, xử phạt về đo lường, chất lượng, trong khi cơ quan QLNN về TCĐLCL (Chi cục TCĐLCL) thì lại không có chức năng vốn có trong các chức năng, nhiệm vụ QLNN.

Thứ ba là đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị đo lường – thử nghiệm chưa được quan tâm đúng mức, khập khiểng giữa các địa phương…

Bộ KH&CN đầu tư rất lớn chương trình các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia cho các Bộ, Ngành – mà thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã nhìn nhận thấy một số nơi là lãng phí, không có kinh phí để vận hành, sữ dụng..v.v…trong lúc, hệ thống các cơ quan TCĐLCL địa phương trong toàn quốc đợi chờ mãi 15 năm kể từ ngày Bộ KHCN&MT ra mắt mà không có nổi một chương trình đầu tư nào cho tương xứng với chức năng, nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội trong sự nghiệp gọi là công nghiệp hóa – hiện đại hóa và trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là hội nhập kinh tế thế giới.

Thiết nghĩ, Bộ KH&CN cần có chương trình trọng điểm hoặc có giải pháp hữu hiệu chỉ đạo thống nhất đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và thiết bị đo lường – thử nghiệm nhằm tăng cường tiềm lực KHCN nói chung và TCĐLCL nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ chế và giải pháp phải xóa bỏ được tư duy tùy tiện trong việc sữ dụng ngân sách chi cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ được cân đối ở địa phương, nhất là đối với các địa phương có tổng thu ngân sách trên địa bàn không đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách (tổng thu bé hơn tổng chi)…Trong vấn đề náy, vai trò của Bộ KH&CN và Sở KH&CN cũng cần được quan tâm xem xét.

Thứ tư là một số vấn đề về nghiệp vụ quản lý TCĐLCL.

Mọi hoạt động nghiệp vụ quản lý TCĐLCL phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, đó là đảm bảo đo lường được thống nhất và chính xác, không ngừng đảm bảo và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của các tổ chức và người tiêu dùng…Thực chất và sự cần thiết của vấn đề là xã hội và nhân dân cần ở kết quả quản lý TCĐLCL nhiều hơn nhiều so với biện pháp hay giải pháp…v.v…mà các cơ quan quản lý đưa ra.

Chính vì vậy, công tác quản lý TCĐLCL phải đảm bảo sao cho nhân dân, người tiêu dùng biết rõ về thực trạng đo lường hay chất lượng thực của sản phẩm hàng hóa và quyền lợi của họ phải được bảo vệ, chống bị lạm dụng…Ví dụ có thể xây dựng và lưu hành 1 trang Website công khai về những hành vi vi phạm, cãnh báo sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, hàng giả…trong toàn quốc theo cơ chế mở để  các địa phương có thể  tự cập nhật và tự chịu trách nhiệm để công khai cung cấp cho nhân dân, người tiêu dùng được biết, biện pháp này vừa công khai cho nhân dân nhưng lại là sự răn đe hữu hiệu để giúp cho các doanh nghiệp tự tiết chế, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa……hay thiết nghĩ rằng: kết quả phê duyệt mẫu phải nhằm đảm bảo sự nhập khẩu và sản xuất phương tiện đo đảm bảo tính năng đo lường và phòng chống được gian dối về đo lường, nếu không đáp ứng đồng thời 2 yêu cầu này thì liệu sự phê duyệt mẫu có ý nghĩa hay không?

Nhân dân ta là nhân dân cách mạng, suốt đời theo Đảng, theo sự nghiệp cách mạng và đổi mới của Đảng, Nhà nước, nên tiếng nói trên các phương tiên thông tin đại chúng (Đài truyền hình, Đài phát thanh, Báo, Tạp chí…) được Nhân dân ta tin yêu và coi đó như là tiếng nói của Đảng và Nhà nước…vì thế chúng ta cần phải có giải pháp quản lý sao cho sự quảng cáo tràn lan, chung chung và nhiều loại “tôn vinh” dưới dạng “Giải thưởng bình chọn”, “Giải thưởng theo cấp độ đóng góp kinh phí” không được đánh lừa Nhân dân đáng kính của chúng ta; gần đây tương tự như thế, Nhân dân cũng bị che mắt bởi không biết nguồn gốc xuất xứ, sản xuất một số sản phẩm hàng hóa của các công ty con do được phép chỉ ghi tên và địa chỉ sản xuất của công ty mẹ – đây cũng là vấn đề không nhỏ.

Sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế xã hội của đất nước, sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, vấn đề thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trên thị trường quốc tế, vấn đề hội nhập kinh tế thế giới và sự đảm bảo công bằng xã hội, sự đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Nhân dân đang hàng ngày, hàng giờ đòi hỏi ở sự hoàn thiện và phát triển của hệ thống TCĐLCL cũng như năng lực đáp ứng của hoạt động TCĐLCL từ Trung ương đến địa phương./.

Nguyễn Đức Lý

Phó Giám đốc Sở KH&CN Quảng Bình

Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL