Hoạt động đánh giá sự phù hợp: Cơ hội và thách thức mới

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Hai 25, 2021 | 15:52 - Lượt xem: 1224

Với nhu cầu tăng cao của xã hội, hoạt động kinh tế sôi động mở ra nhiều cơ hội mới đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Hoạt động đánh giá sự phù hợp trong ASEAN

Cho đến nay, ASEAN đã xây dựng Hiệp định thương mại ASEAN, Hiệp định khung về các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN và Hướng dẫn về công nhận và đánh giá sự phù hợp.

Các nhóm công tác của Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ) đã trao đổi, giải quyết những quan ngại của các quốc gia để hướng tới thống nhất tiêu chuẩn sử dụng trong đánh giá sản phẩm. Các tiêu chuẩn được xây dựng nhằm đáp ứng xu hướng của doanh nghiệp trong áp dụng tiêu chuẩn quốc tế /ASEAN; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế cũng như các tiêu chí của tiêu chuẩn,… Việt Nam cũng đã hài hòa phương thức đánh giá sự phù hợp phổ biến của thế giới theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17067; thống nhất cơ chế đánh giá, phê duyệt và đăng ký danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp được phê duyệt (như đối với nhóm điện – điện tử); tăng cường năng lực đánh giá sự phù hợp thông qua hợp tác với các đối tác nước ngoài thuộc EU, Mỹ, Đức

Tổng quan về hệ thống đánh giá sự phù hợp quốc tế, trong đó nổi bật là sự sát nhập của 2 tổ chức lớn trong khu vực là Hiệp hội Công nhận phòng thí nghiệm Châu Á – Thái Bình Dương (APLAC) và Tổ chức công nhận Châu Á-Thái Bình Dương (PAC). Đây là 2 tổ chức thành viên của Tổ chức công nhận Phòng thí nghiệm Quốc tế ILAC và Diễn đàn công nhận quốc tế IAF. Các tổ chức này đều đã đạt được các thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (MRA hay MLA).

PAC và APLAC sát nhập đã đổi tên thành Hiệp hội Hợp tác Công nhận Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) và được APEC thừa nhận là Tổ chức Chuyên gia của APEC hỗ trợ cho công việc của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Sự phù hợp.

Hiện tại, APAC có 47 thành viên thuộc 29 nền kinh tế thuộc APEC, các thành viên này đã ký thỏa ước thừa nhận lẫn nhau; 17 thành viên thông tấn (hợp tác) của 13 nền kinh tế và 7 tổ chức liên kết. APAC-MRA là sự kết hợp của APLAC-MRA và PAC-MLA và được thừa nhận bởi ILAC-MRA và IAF-MLA.

 Chuyên gia làm việc trong Phòng thí nghiệm. Ảnh minh họa

Cơ hội, thách thức mới

Hiện nay, hoạt động đánh giá sự phù hợp chịu rất nhiều áp lực do sự kiểm tra chồng chéo của nhiều đơn vị, cơ quan quản lý, khách hàng và cơ quan công nhận. Đồng thời, áp lực còn còn phát sinh mạnh mẽ ngay giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp do sự cạnh tranh khách hàng; giảm chi phí đánh giá và tìm kiếm chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực.

Cùng với đó là sự thích ứng của tổ chức đánh giá sự phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năng lực nhân viên, cũng như các chính sách nhằm sẵn sàng thay đổi của tổ chức cho phù hợp với thời đại dịch covid-19 bùng phát,… chưa kịp thời và chưa toàn diện.

Tuy nhiên, với nhu cầu của xã hội tăng, hoạt động kinh tế sôi động nên có nhiều cơ hội mới, trong đó bao gồm các chương trình đánh giá sự phù hợp mới. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 là nguy cơ nhưng cũng đồng thời là cơ hội, mở ra nhiều lĩnh vực phân tích, thử nghiệm mới: thử covid trên bao bì sản phẩm, thử dioxin, huyết tương,… Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện cải tiến phương pháp, chính sách đánh giá từ trực tiếp sang trực tuyến từ xa, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí của cả tổ chức chứng nhận sự phù hợp cũng như của khách hàng.

Tính đến giữa năm 2020, khối ASEAN có 8.140 tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận. Riêng Việt Nam có 1.849 tổ chức chứng nhận, 1.566 phòng thử nghiệm (trong đó có 133 phòng xét nghiệm y tế) và 108 phòng hiệu chuẩn.

Một số quốc gia trong ASEAN hiện vẫn chưa có hoặc có rất ít tổ chức đánh giá sự phù hợp (Phòng xét nghiệm y tế, hiệu chuẩn,…), đây là cơ hội để hoạt động đánh giá sự phù hợp của Việt Nam vươn tới, với điều kiện phải đạt công nhận, thừa nhận quốc tế.

 Hà My