Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực công thương

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Hai 25, 2022 | 12:12 - Lượt xem: 720

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa, năm 2021, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực công thương, hoàn thiện cơ sở pháp lý và công cụ quản lý theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Hoạt động xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường… Trong năm 2021, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thống nhất về quy trình quản lý và cấp mã, số hiệu QCVN của Bộ Công Thương phù hợp với quy định mới tại Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN quy định về xây dựng, thẩm định và ban hành QCVN.

 Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực công thương đã hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng liên tục được đổi mới, hoàn thiện đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Từng bước thiết lập hệ thống hàng rào kỹ thuật bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, Vụ KH&CN đã rà soát lại toàn bộ kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, đồng thời đề nghị Bộ KH&CN điều chỉnh kế hoạch xây dựng, thẩm định, công bố TCVN phù hợp với hiện trạng của từng nhóm TCVN.

Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) cho biết, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực công thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người.

Triển khai kế hoạch thực thi các Hiệp định thương mại đa phương, song phương như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Vụ KH&CN đã nghiên cứu xây dựng 3 dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về logistics; khảo sát, đánh giá các TCVN, QCVN của Việt Nam đối với một số sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường EU (dệt may, da giày…) và đề xuất Kế hoạch xây dựng TCVN, QCVN giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, năm 2021, Vụ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ các đơn vị trong Bộ xây dựng, thẩm tra 7 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) thuộc Chương trình xây dựng văn bản Quy phạm pháp luật năm 2021 của Bộ Công Thương. Các QCVN này thuộc lộ trình hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN đến năm 2025 đã được Bộ trưởng phê duyệt, thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản và thiết bị đặc thù công nghiệp có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Việc xây dựng và ban hành các QCVN này nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và công cụ quản lý cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ các mục tiêu quan trọng như an toàn, sức khỏe người tiêu dùng, người lao động, các lợi ích kinh tế – xã hội… theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật- ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.

Ngành Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ hoàn thành việc xây dựng 70 QCVN và 17 TCVN đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Trần Việt Hòa, trong năm 2022, Vụ KH&CN sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát, đánh giá, bổ sung các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường; đề xuất các nội dung để hỗ trợ doanh nghiệp. Xây dựng và đề nghị công bố áp dụng các TCVN thuộc lĩnh vực năng lượng, luyện kim – khoáng sản theo kế hoạch năm 2022-2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1097/QĐ-BCT. Tiếp tục đề xuất và tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng trong ngành thép.

Đồng thời, đề xuất Danh mục các nhóm sản phẩm, hàng hóa bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc, nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất gửi Bộ KH&CN hỗ trợ tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển, áp dụng thí điểm, phổ biến và nhân rộng các giải pháp công nghệ ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương…

Lê Kim Liên