Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật hiện nay
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Năm 25, 2020 | 14:17 - Lượt xem: 1501
Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật là cơ chế quản lý tài chính. Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với các cơ chế, chính sách hiện hành trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước và tiêu chuẩn hoá cũng như đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.
Hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) là một trong những hoạt động chủ đạo của công tác tiêu chuẩn hoá. Thống kê cho thấy, hiện nay, Việt Nam có khoảng 11.500 TCVN với khoảng 450-600 TCVN được rà soát, sửa đổi, xây dựng mới hằng năm, tỷ lệ hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hiện nay vào khoảng 54%; số lượng QCKT do các bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành là hơn 700 quy chuẩn quốc gia và địa phương để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 nhằm bảo vệ môi trường, an toàn và sức khoẻ người tiêu dùng.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng TCVN, QCKT là cơ chế quản lý tài chính, cụ thể là khả năng huy động nguồn lực tài chính, các quy định về nội dung chi, định mức chi tiêu kinh phí hoạt động xây dựng TCVN, QCKT. Thực hiện Luật Tiêu chuẩn và QCKT, ngày 17/7/2009, Liên Bộ Tài chính – Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng TCVN, QCKT. Qua hơn 10 năm thực hiện, cơ chế quản lý tài chính này đã giúp công tác quản lý nguồn kinh phí ngân sách nhà nước dành cho hoạt động xây dựng TCVN, QCKT được tiết kiệm và hiệu quả, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng các TCVN được công bố, các QCKT được ban hành hằng năm. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế quản lý tài chính này cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần xem xét, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.
Yếu tố ảnh hưởng đến cơ chế quản lý tài chính hoạt động xây dựng TCVN, QCKT
Các yếu tố tác động đến các cơ chế quản lý tài chính hoạt động xây dựng TCVN, QCKT bao gồm các yếu tố vĩ mô và vi mô, cụ thể một số yếu tố chính như sau:
Một là, tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí xã hội. Các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí xã hội là sự biến động của lạm phát, tiền lương… khiến các định mức chi tiêu được quy định tại Thông tư liên tịch số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN không còn bù đắp được chi phí thực tế phát sinh. Cụ thể:
Tác động của lạm phát
Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hoá và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Lạm phát có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế. Lạm phát xảy ra khiến giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao, từ đó khiến người tiêu dùng phải chi tiêu nhiều hơn khi mua một đơn vị hàng hoá, dịch vụ, và thù lao nhận được từ hoạt động xây dựng TCVN, QCKT không còn đảm bảo được sức mua như trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sự biến động của lạm phát trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2019 được thể hiện như Bảng 1.
Để tính ra tỷ lệ tăng lạm phát tại thời điểm năm 2019 so với năm gốc 2009, trước hết phải xác định được Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại các năm. Hiện nay, số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ công bố CPI tính theo giai đoạn 5 năm, vì vậy, để xác định được biến động giá tiêu dùng sau 10 năm, có thể tính căn cứ theo công thức xác định tỷ lệ lạm phát hằng năm. Theo đó, CPI năm hiện hành được xác định theo công thức sau: CPIn =(+1) x CPIn-1
Trong đó: CPIn là chỉ số giá tiêu dùng năm hiện hành; CPI(n-1) là chỉ số giá tiêu dùng của năm trước liền kề; IR (Inflation Rate) là tỷ lệ lạm phát năm hiện hành. Trên cơ sở công thức trên, căn cứ số liệu tại Bảng 1, tính toán CPI của giai đoạn 2009-2019 trên cơ sở năm gốc 2009 cho kết quả như Bảng 2 và Biểu đồ biến động CPI giai đoạn 2009-2019 như Hình 1.
Bảng 1: Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2019 (%) | |||||||||||
Năm | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 |
Tỷ lệ lạm phát | 11,75 | 18,58 | 6,81 | 6,04 | 1,84 | 0,6 | 4,74 | 3,53 | 3,54 | 2,79 |
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Bảng 2: Biến động CPI giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2019 (tính theo năm gốc 2009) (%) | |||||||||||
Năm | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 |
Tỷ lệ lạm phát | 100 | 111,75 | 132,51 | 141,53 | 150,08 | 152,85 | 153,76 | 161,05 | 166,74 | 172,64 | 177,45 |
Nguồn: Tác giả tính toán * Năm 2009 được xác định là năm gốc với giá trị CPI là 100
Theo kết quả tính toán trên có thể thấy, sau giai đoạn 10 năm 2009-2019, CPI đã tăng khoảng 77,45%. Điều này có nghĩa là chi phí tiêu dùng tại năm 2019 đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm năm 2009. Như vậy, việc xem xét điều chỉnh tăng định mức chi tiêu hoạt động xây dựng TCVN, QCKT với mức tăng khoảng 75%-80% là hoàn toàn phù hợp nhằm ổn định sức mua theo nguyên tắc xác định mức chi, bù đắp chi phí thực tế phát sinh.
Tác động của yếu tố tiền lương
Hiện nay, có 2 chỉ tiêu thể hiện yếu tố tiền lương, đó là mức lương cơ sở áp dụng cho khối cơ quan nhà nước và mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khối doanh nghiệp.
Sau giai đoạn 10 năm 2009-2019, mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng đã có sự gia tăng rõ rệt, cụ thể: mức lương cơ sở năm 2009 là 650.000 đồng, năm 2019 đã được điều chỉnh là 1.490.000 đồng, tỷ lệ tăng trưởng mức lương cơ sở năm 2019 là 129% so với năm 2009; mức lương tối thiểu vùng 1 năm 2009 là 800.000 đồng, năm 2019 đã được điều chỉnh là 4.180.000 đồng, tỷ lệ tăng trưởng mức lương tối thiểu vùng năm 2019 là 423% so với năm 2009.
Như vậy, chính sách tiền lương sau 10 năm được điều chỉnh tăng từ 130% đến 420% đã phản ảnh rõ nét nhất sự biến động của thu nhập và chi phí xã hội. Điều này khiến việc xem xét điều chỉnh định mức chi tiêu kinh phí dành cho hoạt động xây dựng TCVN, QCKT là cần thiết và phù hợp thực tiễn.
Hai là, tác động từ sự thay đổi của cơ chế, chính sách. Những văn bản quy phạm pháp luật trước đây làm căn cứ xây dựng Thông tư liên tịch số 145/2009/TTLTBTC-BKHCN hiện nay đã thay đổi, khiến việc áp dụng Thông tư này vào thực tiễn chưa được đồng bộ và thống nhất so với những quy định mới, cụ thể: đối với lĩnh vực quản lý ngân sách đã có Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; đối với lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã có Nghị định số 78/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và QCKT. Theo quy định tại Nghị định số 78/2018/ NĐ-CP thì hiện có một số nội dung chi chưa được quy định
tại Thông tư liên tịch số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN như: chi thực hiện hoạt động nghiên cứu đánh giá thực trạng, nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, xây dựng báo cáo phân tích kết quả khảo sát, khảo nghiệm, thử nghiệm; chi mua mẫu, thử nghiệm liên quan đến các chỉ tiêu kỹ thuật của dự thảo TCVN, QCKT (nếu có)…
Cơ chế quản lý tài chính mới trong hoạt động xây dựng TCVN, QCKT
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn trên, với sự phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 17/4/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng TCVN và QCKT. Cơ chế quản lý tài chính mới này đã được xây dựng phù hợp với các cơ chế, chính sách hiện hành trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước và tiêu chuẩn hoá, đồng thời phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Cụ thể, quy định trong hoạt động xây dựng TCVN, QCKT đã có một số thay đổi chính về cơ chế quản lý tài chính mới như sau:
Một là, chính sách huy động nguồn kinh phí dành cho hoạt động xây dựng TCVN, QCKT đã bao quát được đầy đủ các nguồn kinh phí phát sinh trong thực tiễn, trong đó có giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước phục vụ cho hoạt động xây dựng TCVN, QCKT.
Hai là, nội dung chi hoạt động xây dựng TCVN, QCKT đã cập nhật đầy đủ các vấn đề mới phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như phù hợp với quy định mới về hoạt động xây dựng TCVN, QCKT hiện nay, cụ thể như: Bổ sung nội dung chi thực hiện hoạt động nghiên cứu, đánh giá thực trạng phục vụ cho công tác xây dựng TCVN, QCKT; bổ sung các nội dung chi liên quan đến hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, Ban biên soạn QCKT; quy định cụ thể những nội dung chi như: chi xin ý kiến đối với dự thảo TCVN, QCKT…
Ba là, về định mức chi hoạt động xây dựng TCVN, QCKT, cơ bản các định mức chi đã được điều chỉnh tăng từ 65% đến 100% so với định mức chi cũ nhằm bù đắp chi phi thực tế phát sinh, qua đó thu hút được sự tham gia ngày càng đông đảo của các cơ quan, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học vào hoạt động xây dựng TCVN, QCKT. Bên cạnh đó, việc quy định mức chi dành cho hoạt động nghiên cứu, đánh giá thực trạng, nghiên cứu tài liệu kỹ thuật phục vụ hoạt động xây dựng TCVN, QCKT được xác định theo mức tiền công thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học giúp các bộ, ngành, địa phương chủ động trong công tác lập và thẩm định dự toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT phù hợp với đặc thù của ngành, địa phương mình.
Quy định này được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 198/ QĐ-TTg ngày 09/02/2018 phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, QCKT xây dựng, trong đó có yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kinh phí biên soạn tiêu chuẩn, QCKT tại Thông tư số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17/7/2009 theo hướng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn, QCKT do bộ chuyên ngành quyết định tuỳ vào mức độ phức tạp của dự án xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Bốn là, quy định về lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT đã được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Như vậy, sự thay đổi trong chính sách mới sẽ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động xây dựng TCVN, QCKT trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của các TCVN, QCKT theo hướng tăng tỷ lệ hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời phù hợp với thực tiễn kinh tế – xã hội của nước ta hiện nay.
Phạm Công Túc- Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng