Hoàn thiện các quy chuẩn quốc gia về thiết bị điện và điện tử, phù hợp thông lệ quốc tế

Thứ Năm, Tháng Mười Một 28, 2019 | 15:23

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cùng với các Bộ, Ban, Ngành đưa ra ý kiến về QCVN đối với thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình và QCVN về An toàn và tương thích điện từ đối với thiết bị điện, điện tử.

Thực hiện chương trình rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) do Bộ KHCN quản lý, sáng ngày 28/11/2019, tại Tổng cục Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường (TCĐLCL) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề lấy ý kiến 02 dự thảo QCVN về Thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình và QCVN về An toàn và tương thích điện từ đối với thiết bị điện, điện tử (trên cơ sở hợp nhất QCVN 4:2002/BKHCN, sửa đổi 1:2016 và QCVN 9:2012/BKHCN, Sửa đổi 1:2018).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục TCĐLCL khẳng định, theo nhiệm vụ chung của Chính phủ, hiện nay việc rà soát hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật làm sao đảm bảo tính hiệu quả, giải quyết những vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp cũng như tăng cường đảm bảo quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế. Thông qua Hội thảo này, ông mong muốn tiếp thu những ý kiến góp ý từ các bộ, ban, ngành để hoàn thiện 02 Dự thảo QCVN về điện, điện tử.

Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Văn Khôi phát biểu tại Hội thảo

Với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy chuẩn kỹ thuật đưa ra chuẩn mực về yêu cầu kỹ thuật và phương thức quản lý thống nhất nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý, bên cạnh đó phạm vi các sản phẩm đưa vào quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật phải dựa trên nghiên cứu, tổng hợp quy định của các nước trong khi vực trên thế giới và kết quả phân tích đánh giá rủi ro. Từ đó, đưa ra được phương thức quản lý tối ưu hóa nhằm đảm bảo hiệu quả kiểm soát chất lượng nhưng cũng giảm đến mức tối thiểu chi phí và thủ tục cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và các thỏa thuận mà Việt Nam đã ký kết.

Tại hội thảo, đại diện Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật ông Trương Văn Thạch – Phó trưởng phòng nghiệp vụ 5, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) cho rằng, hiện nay, quy chuẩn kỹ thuật cho các thiết bị dùng cho lắp đặt điện là rất cần thiết, theo đó nếu cáp điện và thiết bị bảo vệ mạch điện có chất lượng kém không phù hợp với công bố của nhà sản xuất thì khi đưa vào sử dụng sẽ có thể là nguyên nhân dẫn đến sự cố rất nghiêm trọng; bên cạnh đó, thiết kế và lắp đặt hệ thống  điện sẽ dựa số danh định của cáp điện và thiết bị điện.

Cũng theo đại diện Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật, qua khảo sát quy định của các nước trong khu vực ASEAN và một số nước khác trên thế cho thấy hầu hết các nước đều phân loại cáp điện và các thiết bị đóng cắt và bảo vệ mạch điện vào  loại sản phẩm có rủi ro mất an toàn cao.

Đại diện các Bộ, Ban, Ngành đóng góp ý kiến cho 2 Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật tại Hội thảo.

Từ kết quả khảo sát ổ cắm điện, phích cắm điện và các loại khí cụ điện hạ áp lấy trên thị trường Việt Nam cho thấy 90% mẫu thử có vấn đề; một số loại dây và cáp điện hiện đang được quy định phải công bố hợp quy theo QCVN 4:2009/BKHCN và Sửa đổi 1:2016 QCVN 4:2009/BKHCN. Trong quá trình áp dụng QCVN 4:2009 cho thấy một số bất cập nên cũng cần điều chỉnh về phạm vi áp dụng và yêu cầu kỹ thuật. Do đó, cần sớm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng đối với các thiết bị điện dùng trong hệ thống lắp đặt điện.

Điểm thay đổi của QCVN mới đổi với cáp điện so với QCVN 4:2009 và Sửa đổi 1:2016, theo đó chỉ quản lý các loại cáp bọc nhựa PVC theo TCVN 6610-3 (dây không vỏ bọc). TCVN 6610-4 (dây có vỏ bọc). TCVN 6610-5 (dây mềm) và TCVN 6610-6 (cáp dùng cho thang máy và đoạn nối chịu uốn);  Cáp cách điện bằng cao su theo TCVN 9615-4 (dây mềm). TCVN 9615-5 (cáp thang máy) và TCVN 9615-6 (cáp hàn hồ quang); Cáp cách điện PVC và XLPE theo TCVN 5935-1 (cáp điện áp danh định 0,6/1 KV); Đưa ra khỏi phạm vi áp dụng các loại cáp khác nhau như cáp lắp trong thiết bị, cáp điều khiển, cáp tín hiệu, cáp lắp trên phương tiện giao thông, công trình biển, cáp chuyên dùng lắp trong các ứng dụng đặc biệt trong công nghệ và các loại cáp khác có ứng dụng khác với lắp đặt điện trong dàn dựng.

Toàn cảnh Hội thảo. 

Với sự tham gia tích cực của đại diện các bộ quản lý chuyên ngành, tổ chức thử nghiệm, chứng nhận, doanh nghiệp SXKD liên quan, hội thảo được nghe ban biên soạn trình bày các nguyên tắc xây dựng, yêu cầu kỹ thuật, hướng dẫn đánh giá chứng nhận sản phẩm trong 2 dự thảo QCVN.

Bên cạnh đó, Hội thảo đã dành phần lớn thời gian để Ban biên soạn và các đại biểu trao đổi, thảo luận, giải đáp các vấn đề trọng tâm như làm rõ quy định cho việc chuyển tiếp quản lý giữa QCVN mới và các QCVN hiện hành (QCVN 4, QCVN 9), xác định cụ thể đối tượng và phạm vi áp dụng của quy chuẩn, thống nhất các phương thức đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn, hoàn thiện hồ sơ chứng nhận, tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng/viện dẫn trong QCVN nhằm đảm bảo khi ban hành các QCVN nêu trên sẽ phát huy hiệu quả vai trò quản lý nhà nước của Bộ KH&CN, đồng thời tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp SXKD, phù hợp thông lệ quốc tế.

 Trương Vân