Hiệp định RCEP và tác động đến lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Mười Hai 22, 2022 | 15:05 - Lượt xem: 552
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của các nước thành viên RCEP nhìn chung theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, ITU, CODEX… tương tự hệ thống TCVN nên tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên. Tuy nhiên, thị trường này cũng tồn tại không ít khó khăn, thách thức buộc chúng ta phải thay đổi để thích ứng.
Tiềm năng của thị trường RCEP
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP) chính thức được ký kết vào tháng 11/2020 giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Khi Hiệp định RCEP được thực thi tạo nên thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định RCEP sẽ góp phần tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững.
Hiệp định RCEP giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn, gấp đôi quy mô của các thị trường trong CPTPP. Khi Việt Nam trở thành nhà sản xuất công nghệ cao, RCEP có thể giúp doanh nghiệp trong nước tăng cường xuất khẩu và thu hút hàng hóa chất lượng cao cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, trước nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam như nông sản và các sản phẩm thủy sản, Việt Nam được hưởng lợi. Việc đơn giản hóa các thủ tục như hải quan và quy tắc xuất xứ sẽ giúp giảm bớt tình trạng quan liêu, cho phép nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hơn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp vào 40% GDP, do đó RCEP mang lại cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong việc nâng cao chuỗi giá trị.
Tác động thuận lợi đến lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với hơn 13500 TCVN, tỷ lệ 61% hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đã bao trùm hầu hết lĩnh vực, góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, trở thành công cụ hỗ trợ cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam hội nhập dễ dàng vào các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của các nước thành viên RCEP nhìn chung theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, ITU, CODEX… tương tự hệ thống TCVN nên tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên. Mặt khác, RCEP cũng mở cửa cho các dịch vụ logistics, thương mại điện tử, khiến hàng hoá đến tay người tiêu dùng giữa các nước dễ dàng. Đặc biệt, các quốc gia ASEAN yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng gần tương đương Việt Nam. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường trên.
Thách thức, khó khăn của Việt Nam
Một số nước phát triển trong RCEP như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore… thời gian qua tăng cường ban hành, áp dụng các quy định kiểm sát chặt chẽ hơn đối với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật. Trong nhiều trường hợp hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua được tiêu chuẩn quốc gia xuất khẩu, nhưng lại gặp khó khăn khi đáp ứng các tiêu chuẩn riêng, do nhà nhập khẩu đưa ra, yêu cầu phải thỏa mãn thì mới được đưa vào hệ thống phân phối, siêu thị, chuỗi cung ứng… Ví dụ, yêu cầu về dán nhãn cacbon trên sản phẩm dệt may xuất khẩu, dán nhãn xanh, phát triển bền vững (FSC) đối với sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vào các nước RCEP còn phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn, quy cách mẫu mã… Quy định của thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao và chặt chẽ hơn.
Các rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng nhập khẩu luôn có xu hướng gia tăng, như thị trường Úc đưa ra các quy định về kiểm dịch động thực vật; truy xuất nguồn gốc; dán nhãn; sinh vật ngoại lai; thị trường Nhật Bản cũng đưa ra các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, hàm lượng các chất trong sản phẩm; chỉ tiêu vi sinh; dán nhãn; truy xuất nguồn gốc. Điển hình như Trung Quốc – thị trường khá dễ tính với hàng hoá nông sản của Việt Nam, nhưng hiện nay cũng gia tăng, siết chặt các biện pháp quản lý kỹ thuật, đưa ra yêu cầu kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, chỉ tiêu an toàn không khác gì những thị trường khó tính như EU hay các nước phương Tây…
Đứng trước những thay đổi và thách thức trên, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực để đổi mới, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trướng RCEP. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nhà nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu cao của thị trường, nhất là hiện nay, ngoài áp dụng về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, còn phải đáp ứng tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, môi trường, phát triển bền vững…
Đề xuất giải pháp triển khai
Để giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên cần phải có một chương trình, chiến lược tổng thể cấp quốc gia nhằm rà soát, hoàn thiện, cải tiến, nâng cao năng lực hạ tầng chất lượng quốc gia, phát triển đồng bộ toàn hệ thống từ cơ quan quản lý, nhà sản xuất, tư vấn, dịch vụ, logistic…, cụ thể:
Thứ nhất, về hoàn thiện khung pháp lý, ưu tiên sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Chất lượng SPHH, các văn bản hướng dẫn liên quan theo hướng phù hợp với cam kết trong Hiệp định RCEP nói riêng, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nói chung.
Thứ hai, chủ động xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án phát triển Hạ tầng Chất lượng quốc gia (NQI) để tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện, tăng cường năng lực kỹ thuật trong toàn hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Việt Nam, góp phần thuận lợi giao thương với thị trường RCEP, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kiểm soát tốn hơn hàng nhập khẩu, bảo vệ thị trường trong nước hiệu quả hơn;
Thứ ba, triển khai thực hiện đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Hình thành hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số quốc gia chuyên ngành (iSTAMEQ).
Thứ tư, phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo hướng đẩy mạnh hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực mà thị trường RCEP đang áp dụng (ISO, IEC, CODEX EN, ASTM,…). Tập trung soát xét, sửa đổi, xây dựng mới TCVN trong các lĩnh vực có thế mạnh sản xuất như sản phẩm điện-điện tử, nông nghiệp, dệt may, gia dày, viễn thông, CNTT, đồ tiêu dùng gia dụng, đồ gỗ…
Thứ năm, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật mới về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thử nghiệm, chứng nhận… cho các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
ThS. Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn (Theo VietQ)