Hiểm họa từ đồ nhựa đựng thực phẩm
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Mười Một 16, 2018 | 11:28 - Lượt xem: 1357
Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Y khoa Vienna (Áo) vừa công bố một phát hiện cho thấy, có 9 loại vi hạt nhựa khác nhau được tìm thấy trong mẫu phân của các tình nguyện viên tới từ nhiều nước châu Âu.
Điều này cho thấy con người đang nuốt phải các loại vi hạt nhựa cùng với thức ăn mỗi ngày. Phát hiện này làm tăng thêm mối lo về thói quen sử dụng hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần để đựng thức ăn – tại Hà Nội cũng như cả nước – mà hậu quả dễ thấy là gây hại cho môi trường sống và những hiểm họa với sức khỏe con người.
Sinh bệnh vì dùng ống hút, hộp xốp
Tại những hàng cà phê, quán cơm bình dân, thức ăn đường phố…, lượng ống hút, thìa nhựa, hộp xốp, túi ni lông được tiêu thụ mỗi ngày là rất lớn. Chủ một cửa hàng trên phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, việc sử dụng những vật dụng đựng thực phẩm dùng một lần vừa tiện vừa tiết kiệm bởi không phải thuê nhân công dọn, rửa.
Thế nhưng, khi sử dụng vật dụng đựng thực phẩm nói trên, tác hại dễ thấy là gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Về lâu dài, thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần sẽ gây ra hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe con người. Theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, những vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng trong ăn uống nói chung và đồ nhựa dùng một lần nói riêng thuộc diện phải kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, chất lượng mặt hàng này vẫn là điều chưa được quan tâm đúng mức. Khảo sát tại phố Hàng Chiếu, phố Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân… mặt hàng đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với giá rất rẻ. Cụ thể, hộp xốp đựng cơm có giá 25.000 – 30.000 đồng/100 chiếc; thìa, cốc, đĩa nhựa có giá 20.000-30.000 đồng/100 chiếc, ống hút có giá từ 2.000 đến 3.000 đồng/túi 50 chiếc. Điều đáng nói là trên bao bì sản phẩm không có thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng an toàn…
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cảnh báo: Hiện nay, tại một số làng nghề thủ công truyền thống vẫn còn tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu để tinh chế nhựa, sau đó nấu thành hạt nhựa để bán cho người sản xuất. Công nghệ lạc hậu không thể giúp loại bỏ được tạp chất độc hại có trong loại nhựa này và khi sử dụng, chúng có thể phát sinh chất độc.
Đặc biệt, nếu đựng thực phẩm nóng ở nhiệt độ 100oC, hàm lượng monostyren (một loại chất độc) trong nhựa sẽ được giải phóng, ngấm vào thức ăn, gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, không nên tái sử dụng hoặc sử dụng hộp xốp, ống hút, cốc, đĩa nhựa để đựng và bảo quản thực phẩm trong thời gian dài bởi khi đó những vật dụng này sẽ bị xước, ngả màu, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn tích tụ và gây bệnh. Đặc biệt, đối với những loại nhựa kém chất lượng, quá trình sử dụng sẽ sản sinh chất BPA – chất độc gây ra một số bệnh như vô sinh, tiểu đường, ung thư… Chính vì vậy, người dân cần phải cảnh giác với những sản phẩm nhựa dùng một lần, sản phẩm không rõ nguồn gốc, giá rẻ…
Không sử dụng đồ nhựa dùng một lần
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, túi ni lông, cốc nhựa, hộp xốp, ống hút… sau một khoảng thời gian nhất định sẽ bị phân hủy, chuyển thành những vi hạt nhựa có kích thước siêu nhỏ, ngấm vào nguồn nước hay lơ lửng trong không khí khiến động vật, con người nuốt phải.
Thêm vào đó, việc kiểm soát chất lượng nhựa trên thị trường rất khó khăn, sản phẩm dùng đựng đồ ăn uống được làm từ nhựa tái chế rất nguy hiểm; nếu sử dụng những sản phẩm từ nhựa rác thải thì người dùng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao.
Trên thế giới, hiện đã có nhiều quốc gia tẩy chay đồ nhựa dùng một lần cũng như phản đối việc sử dụng tràn lan túi ni lông, điển hình như Pháp, Mỹ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, Pháp là quốc gia đầu tiên thông qua đạo luật cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng, thìa… sử dụng một lần làm bằng nhựa và sẽ có hiệu lực từ năm 2020. Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), nhà chức trách quy định những sản phẩm như bát, túi, hộp, cốc… làm bằng nhựa dùng một lần không được phép mua bán, sử dụng tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống…
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của mỗi người về việc sử dụng túi ni lông, đồ bao gói thực phẩm dùng một lần được làm bằng nhựa. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp khuyến khích người dân, cơ sở sản xuất, dịch vụ sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, tốt nhất là đề ra những quy định cụ thể về điều này và tiến hành xử phạt thật nặng đối với những ai làm trái quy định.
Nguồn hanoimoi