Hiểm họa ảnh hưởng sức khỏe trẻ nhỏ từ những bộ đồ chơi nhiễm độc chì

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Mười Một 24, 2020 | 14:40 - Lượt xem: 1057

Tình trạng nhiễm độc chì ngày càng phổ biến ở trẻ em hiện nay, mà nguyên nhân thường tập trung phần lớn ở những món đồ chơi trẻ thường sử dụng hàng ngày.

Đồ chơi càng sặc sỡ, càng chứa nhiều chì

Theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) được thực hiện vào năm 2019 cho thấy:

– 40% (6/15) mẫu sơn lấy tại các trường mầm non và hộ gia đình chứa chì vượt tiêu chuẩn an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy hại. Nồng độ chì trung bình trong các mẫu này là 541.27mg/kg (thấp nhất là 390.19 và cao nhất là 852.05). Trong đó các mẫu sơn màu nóng như đỏ, vàng có hàm lượng chì vượt cao hơn các mẫu sơn màu xanh.

– 37.5% (6/16) mẫu đồ chơi tại các trường mầm non có chứa chì với hàm lượng trung bình là 2207,83 ppm (thấp nhất là 193 ppm, cao nhất là 4895 ppm); trong số các mẫu có chứa chì, các mẫu đồ chơi bằng gỗ phủ sơn chiến 4/6 mẫu, các mẫu đồ chơi nhựa 2/6 mẫu.

 Đồ chơi nhiễm chì đe dọa đến sức khỏe của trẻ nhỏ

Điều đáng quan ngại hơn là người tiêu dùng khi lựa chọn các loại sơn hoặc đồ chơi chưa có sự quan tâm đúng mức đối với hàm lượng chì nói riêng cũng như hàm lượng các kim loại nặng nói chung trên đồ chơi. Trẻ nhỏ nhất là trẻ trong giai đoạn mầm non thường hiếu động, nhiều trẻ có thói quen ngậm, cắn đồ chơi, điều này làm gia tăng nguy cơ ngộ độc chì đối với trẻ.

Hậu quả nghiêm trọng từ nhiễm độc chì có thể gây teo não ở trẻ nhỏ

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chì là kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của cơ thể – nhất là với sự phát triển trí tuệ, tinh thần của trẻ em. Kể cả với nồng độ chì thấp thậm chí dưới 5mcg/dL cũng có nguy cơ gây hại. Nhiễm độc chì gây teo não, yếu cơ, liệt cơ, ảnh hưởng đến tim mạch, nội tiết, phụ nữ mang bầu dễ sảy thai, thiếu máu…

Sơn chì là một trong những nguồn tiếp xúc chì phổ biến nhất ở trẻ em và có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn và không thể phục hồi ở não đang phát triển của trẻ em. Sơn chì có thể làm giảm chỉ số thông minh (IQ) và khả năng tập trung, suy giảm khả năng học tập và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi. Không có mức độ phơi nhiễm chì nào là không gây hại, và do đó chúng ta cần nỗ lực phối hợp để cấm tất cả các loại sơn có chứa chì.
Việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm độc chì cũng rất nan giải, ngay cả khi có đủ thuốc giải độc thì cũng không thể loại bỏ chì ngay lập tức ra khỏi cơ thể được vì khi vào cơ thể, kim loại độc này sẽ gắn chặt với xương. Chúng ta chỉ có thể thải trừ chì trong máu nhưng rất tốn kém và lâu dài, cho dù bệnh nhân được điều trị tích cực, chì vẫn tác động lên cơ thể và để lại hệ lụy khó lường.
Bảo Linh