Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia giúp hàng Việt Nam tự tin cạnh tranh trên mọi ‘mặt trận’
Chủ Nhật, Tháng TưTháng Tư 26, 2020 | 6:26
Với 12.000 TCVN, 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và hàng vạn tiêu chuẩn cơ sở đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Trần Văn Học – Phó Chủ tịch Hội KHKT Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam đã dành cho Chất lượng Việt Nam Online cuộc trao đổi về vai trò của tiêu chuẩn trong bối cảnh hội nhập.
Thưa ông, với nền tảng chất lượng là hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đến nay đã khá đầy đủ với mức độ hài hòa cao với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, ông đánh giá như thế nào sự hội nhập của Việt Nam trong lĩnh vực này?
Như chúng ta đã biết, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng phát triển tiêu chuẩn hóa như là một trong những hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế và khu vực, trên cơ sở đó nâng cao trình độ chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Kể từ khi nước ta chủ trương đổi mới nền kinh tế, hoạt động tiêu chuẩn hóa là một trong những lĩnh vực luôn đi đầu và tham gia tích cực trong hoạt động hội nhập với quốc tế và khu vực khi chúng ta đã sớm tham gia là thành viên của nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực như Liên minh viễn thông quốc tế ITU, ISO, CODEX, IEC…
Năm 2006, với việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm cam kết thực thi Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (hiệp định WTO/TBT) và trở thành thành viên Tổ chức thương mại Thế giới, việc xây dựng TCVN trên cơ sở chấp nhận và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã trở thành chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm (chiếm trên 90%). Kết quả của các nỗ lực này đã đưa tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam lên mức tương đối cao (năm 2019 đạt 54% và dự kiến đến năm 2020 đạt 60%), trong đó lĩnh vực có tỷ lệ hài hòa với quốc tế cao nhất là Điện-Điện tử và Thực phẩm (>80%).
Có thể nói đây là tiền đề rất quan trọng giúp các doanh nghiệp của chúng ta nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại để hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn với quốc tế và khu vực trong những năm tới khi chúng ta đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương.
Vậy vai trò của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong việc hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa được thể hiện như thế nào, nhất là đối với hàng xuất khẩu khi Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều FTA?
Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam ngày càng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế với trên 11.500 TCVN, hơn 780 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và hàng vạn tiêu chuẩn cơ sở trong nhiều lĩnh vực khác nhau, làm chuẩn mực quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý.
Hệ thống này đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, việc đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đã giúp các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính thuận lợi, không bị cản trở bởi các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu đồng thời khẳng định được trình độ chất lượng để cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế.
Cạnh tranh bằng chất lượng, thực sự đang là thách thức của không ít doanh nghiệp, việc nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn để hàng Việt có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng ở bất kỳ thị trường nào theo ông các doanh nghiệp cần phải làm gì?
Để hàng Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng trên mọi thị trường, chắc chắn các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình thông qua việc xây dựng một hạ tầng chất lượng bền vững trên cơ sở tiêu chuẩn hóa. Trong đó, hệ thống tiêu chuẩn, đo lường, thử nghiệm và hiệu chuẩn phải đồng bộ, tiên tiến, hài hòa với quốc tế, đảm bảo tốt việc kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Công nghệ phù hợp với trình độ phát triển khoa học công nghệ hiện hành và đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn và cung cấp hàng hóa theo yêu cầu của thị trường.
Theo tôi, cần có lộ trình cụ thể để phát triển hạ tầng chất lượng của doanh nghiệp phù hợp với năng lực tài chính và mục tiêu kinh doanh trong từng thời kỳ.
Là chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, ông có chia sẻ gì đối với doanh nghiệp trong việc phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa tại doanh nghiệp hiện nay?
Hoạt động tiêu chuẩn hóa đã đóng góp một phần rất quan trọng, rất cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Điều này đã được minh chứng qua rất nhiều ví dụ thành công của nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn hóa hiện nay của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế.
Vì vậy, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là phải nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về tiêu chuẩn hóa nói chung và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chuyên ngành của doanh nghiệp nói riêng cho tất cả cán bộ nhân viên đặc biệt là người đứng đầu để có thể phát triển bền vững và dài hạn nên hướng tới có một chiến lược tiêu chuẩn hóa cho công ty. Kế hoạch chiến lược này dựa cơ sở từ thấp đến cao tùy theo mục tiêu và tiềm lực của doanh nghiệp trong từng giai đoạn. Kế hoạch này cần lấy việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn công ty làm trọng tâm trong giai đoạn đầu nhằm thiết lập nền tảng cho việc nâng cao năng suất và chất lượng của doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thanh Uyên/VietQ.vn