Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Thước đo đánh giá toàn diện doanh nghiệp
Thứ Sáu, Tháng Sáu 14, 2019 | 10:35
Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) năm 2018 sẽ diễn ra vào tháng 6/2019. Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông có thể cho biết ý nghĩa của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đối với doanh nghiệp?
Hoạt động của doanh nghiệp là nhằm tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở thoả mãn cao nhất nhu cầu của khách hàng và các bên có lợi ích, quyền lợi liên quan (như xã hội, cộng đồng, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, …), như vậy, doanh nghiệp cần luôn cải tiến hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở then chốt là nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ. Để làm việc này, doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều công cụ và phương thức khác nhau như áp dụng ISO 9000, TQM, KAIZEN, 5S, … Từ những hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến này, các nhà quản lý chất lượng hàng đầu trên thế giới đã tổng kết thành mô hình với các tiêu chí đưa ra các yêu cầu toàn diện đối với hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu như GTCLQG Hoa Kỳ (Giải thưởng Malcolm Baldrige – MBA), Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA). GTCLQG của chúng ta cũng dựa trên cách tiếp cận, hệ thống các tiêu chí và phương pháp đánh giá của các giải thưởng này. Do vậy có thể coi GTCLQG là mô hình hướng tới sự tuyệt hảo trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia GTCLQG ngoài việc được Thủ tướng Chính phủ tặng giải còn được tiếp cận với công cụ mô hình tự đánh giá (self-assessment) hiện đại, có thể giúp tổ chức, doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống quản lý của mình thông qua việc áp dụng và duy trì thành công các mô hình, công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến và thực hành tốt nhất một cách toàn diện và bài bản theo cùng phương pháp của nhiều nước tiên tiến đang áp dụng. Tham dự GTCLQG chính là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận lại một cách toàn diện các hoạt động, nhận ra các mặt mạnh, mặt yếu từ đó giúp doanh nghiệp của chúng ta lượng hóa được khả năng, mức độ đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và các bên quan tâm khác để có những giải pháp hoàn thiện mô hình hoạt động.
GTCLQG với 7 tiêu chí để đánh giá, ông có thể cho biết rõ hơn về 7 tiêu chí này và đâu là yếu tố quan trọng nhất để DN có thể tiếp cận và đáp ứng được?
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Hoa Kỳ (Giải thưởng Malcolm Baldrige). Đây thực chất là một mô hình giúp DN tự hoàn thiện để vươn tới sự tuyệt hảo về chất lượng quản lý. Các tiêu chí đều dựa trên các nguyên lý và phương pháp quản lý hiện đại như: Tầm nhìn của lãnh đạo; Định hướng vào khách hàng; Nâng cao kiến thức của tổ chức và cá nhân; Nâng cao giá trị của các bên có quyền lợi liên quan; Chú trọng vào tương lai; Quản lý để đổi mới; Quản lý dựa trên sự kiện; Trách nhiệm xã hội; Chú trọng vào kết quả và tạo ra giá trị; Mục đích quản lý theo hệ thống.
Các tiêu chí GTCLQG chính là những giá trị cho việc định hướng hành vi của tổ chức, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả cao, là nền tảng để hợp nhất các yêu cầu về vận hành toàn bộ các quá trình gắn với kết quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.
Các tiêu chí GTCLQG cũng là cơ sở hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp tự xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của mình. Các Tiêu chí này có 3 vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính cạnh tranh của tổ chức, DN bao gồm: giúp cải thiện năng lực, thực tế và kết quả hoạt động của tổ chức; Tạo điều kiện thông tin và chia sẻ các thực hành tốt nhất giữa các loại hình tổ chức; Được sử dụng như một công cụ làm việc trong việc nhận thức và quản lý tình hình hoạt động cũng như trong việc hoạch định và triển khai của tổ chức.
Để thúc đẩy các tổ chức nỗ lực hướng tới sự tuyệt hảo trong hoạt động, hệ thống 7 tiêu chí GTCLQG được thiết kế giúp các tổ chức sử dụng cách tiếp cận tổng hợp trong việc quản lý hoạt động của mình.
Thực tiễn cho thấy rằng giải thưởng chất lượng, vượt ra ngoài khuôn khổ của những cuộc thi tuyển về chất lượng, trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên cơ sở tự hoàn thiện hoạt động, đối sánh với các đối thủ cạnh tranh và áp dụng các thực hành tốt nhất.
GTCLQG bao gồm 7 tiêu chí như: vai trò của lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp; Chiến lược hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp; Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; Quản lý, phát triển nguồn nhân lực; Quản lý quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp;. Kết quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.Từ tiêu chí 1-6 là các tiêu chí của chuỗi quá trình/hoạt động. Tiêu chí 7 là Tiêu chí kết quả. Dựa trên cách chấm điểm của hệ thống 7 tiêu chí ta thấy hệ thống các tiêu chí chú trọng chủ yếu vào kết quả.
Đâu là điểm hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam so với các DN nước ngoài khi áp dụng các tiêu chí này?
Quá trình đánh giá, thẩm định các doanh nghiệp cho thấy có một số hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tự đánh giá mô hình hoạt động của mình theo 7 tiêu chí GTCLQG, đó là: Tư duy về chất lượng của đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng kịp với yêu cầu thực tế. Nhiều doanh nghiệp chỉ chú ý đến lợi nhuận của mình mà quên mất lợi ích của khách hàng; chỉ quan tâm đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà không để ý tới các chỉ tiêu chất lượng; chỉ chú ý đến chất lượng khi có khiếu nại của khách hàng; Quản lý chất lượng theo hình thức, thường rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, chắp vá nên đôi khi giữa các bộ phận lại kìm hãm nhau; bố trí sử dụng nhân công tuỳ tiện, coi đào tạo là tốn kém nên không được tiến hành thường xuyên;
Ngoài ra, công nghệ và thiết bị sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa tiên tiến, khó thực hiện được các tính năng công nghệ cao, vừa hao phí nhiều năng lượng – nguyên vật liệu dẫn tới chất lượng sản phẩm không cao mà giá thành lại cao, tính cạnh tranh thấp so với khu vực và thế giới. Nhiều DN phải đào tạo lại người lao động, điều này rõ ràng cũng gây ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng.. Một số doanh nghiệp thật sự chưa hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của việc áp dụng các HTQLCL tiên tiến.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, cũng đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ cải tiến và các thực hành tốt, đặc biệt là các chuẩn mực của 07 tiêu chí GTCLQG trong việc điều hành. Có thể nêu ra đây một số mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, tương đối hoàn thiện, tiệm cận được với chuẩn mực nước ngoài, khu vực như: Nhựa Bình Minh, Tân Á Đại Thành, Công ty Cổ phần TRAPHACO, Tổng Công ty Viglacera, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hoà …
Đối với người tiêu dùng thì giải thưởng này có ý nghĩa gì, thưa ông?
Khi doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng GTCLQG, có nghĩa là đã được “xác nhận” là một doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, sẵn sàng hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đồng thời, các doanh nghiệp này, thông qua các tiêu chí của GTCLQG, đã được trang bị công cụ tự đánh giá (self-assessment) theo các chuẩn mực quốc tế, có khả năng giúp, doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện hệ thống quản lý của mình thông qua việc áp dụng và duy trì thành công các mô hình, hệ thống quản lý tiên tiến và thực hành tốt nhất, từ đó cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng ổn định và ngày càng cao hơn.
Nói cách khác, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ có biểu trưng GTCLQG của các doanh nghiệp được tặng GTCLQG.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo vccinews.vn